Cán bộ, đảng viên với việc gương mẫu

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, với yêu cầu “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”.
Chi ủy Chi bộ khu phố 2 phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú, TPHCM) họp triển khai các nội dung thực hiện của Trung ương, trong đó có quy định về nêu gương. Ảnh: HOÀI NAM
Chi ủy Chi bộ khu phố 2 phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú, TPHCM) họp triển khai các nội dung thực hiện của Trung ương, trong đó có quy định về nêu gương. Ảnh: HOÀI NAM

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Có lẽ khái quát nêu trên của người lãnh đạo cao nhất của đất nước đã quá đầy đủ. Sinh thời Bác Hồ dạy rằng: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đó chính là khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên, của những người đi trước, mở đường.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, có đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Trong lịch sử hào hùng của dân tộc và của Đảng, đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương những con người mẫu mực, tiêu biểu suốt đời đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời luôn nhắc lại lời mà Bác Hồ đã căn dặn ông: Làm tướng phải luôn “di công vi thượng”. Những nhà yêu nước, những người cộng sản trong buổi đầu lập quốc đa phần vẫn luôn giữ được phẩm chất trong sáng và luôn là hình mẫu tiêu biểu để mọi người noi theo, ngay cả khi họ đứng trên đỉnh cao quyền lực. 

Như vậy, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên không phải đến quy định này mới được thực hiện. Tuy nhiên, quy định lần này được công bố là xây dựng trên nguyên lý “có xây, có chống và xây trước, chống sau”, điểm cốt lõi của dự thảo đề án là “Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu”, nhấn mạnh trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.Thực ra không phải tới hội nghị này, mà trong rất nhiều các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã có những quy định cụ thể về việc gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, như trong Chỉ thị 06-CT/TW và sau này là Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 7-6-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đối với mỗi người đảng viên, kể từ lời thề khi vào Đảng đến các quy định của Đảng, đều có những nội dung quy định về gương mẫu. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, trong triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì việc nêu gương của cán bộ, đảng viên ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên phải được đặt lên hàng đầu.

Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, đã có nhiều những tấm gương cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ chức trách được giao. Thế nhưng, những năm gần đây, đã xuất hiện tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng đã làm giảm sút uy tín của Đảng trước nhân dân.

Đã xuất hiện một bộ phận cán bộ - nhất là những người có chức, có quyền - thiếu gương mẫu, tham ô, trục lợi… và phải bị xử lý kỷ luật. Có những cán bộ nói không đi đôi với làm; nói hay, làm dở, tạo bè phái, lợi ích nhóm để thao túng, tham nhũng, trục lợi, đã làm cho niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước ngày càng giảm sút. Nhân dân có ngàn mắt, ngàn tay và họ biết tất cả. Gần 800 năm trước, khi vua Trần Thái Tông bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử đi tu, cả triều đình lên van nài nhà vua trở về nhưng ý vua đã quyết.

Thái sư Trần Thủ Độ đã quỳ xuống tâu vua: “Bệ hạ ở tu cho riêng mình thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao, ví thử dùng lời nói suông mà chỉ bảo cho đời sau, thì chi cho bằng lấy thân mình làm người dẫn đường cho thiên hạ”. Nghe vậy, nhà vua đã xuống núi trở về và trở thành linh hồn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược. 

Tiếp nối việc thực hiện các nghị quyết của Đảng gần đây về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, quy định này là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ. Cùng với công cuộc phòng, chống tham nhũng và xử lý nghiêm minh sai phạm của cán bộ, đảng viên vi phạm như thời gian vừa qua, việc ban hành thực hiện nghiêm quy định này sẽ mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực.

Tin cùng chuyên mục