Cần cấp thiết nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông

Nếu cứ dạy và học như hiện nay thì kết quả thi Trung học phổ thông của những năm tiếp theo sẽ còn thấp hơn nữa, phân hóa còn cao hơn nữa.
Biểu đồ điểm trung bình các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 - 2018
Biểu đồ điểm trung bình các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 - 2018

Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bước đầu có thể khẳng định đề thi năm nay đã đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia, nâng cao độ phân hóa của đề thi đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Nhưng cũng từ đó có thể thấy nếu cứ dạy và học như hiện nay thì kết quả thi THPT của những năm tiếp theo sẽ còn thấp hơn nữa, phân hóa còn cao hơn nữa.

Từ những môn điểm thấp nhất trong nhiều năm

Nhìn chung, kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 không chỉ thấp hơn so với năm 2017 mà nhiều môn thấp hơn so với năm 2016, 2015. Tiếng Anh là một trong những môn có tỉ lệ thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên thấp nhất kể từ khi nhập hai kỳ thi làm một. Từ năm 2015 đến năm 2018, tỉ lệ này lần lượt là 22,7% - 16,0% - 39,2% - 21,78%, trong đó, cá biệt năm 2016 chỉ đạt 16%. Đồng hành cùng môn tiếng Anh, môn Lịch sử cũng không ngoại lệ. Năm 2016, 2017, tỉ lệ thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên của môn này chỉ đứng thứ hai sau môn tiếng Anh, với tỉ lệ lần lượt là 39% - 47,4%; năm 2018, môn lịch sử có tỉ lệ thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên thấp nhất với tỉ lệ là 16,76%.

Đến điểm sàn xét tuyển của các trường

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở trình độ ĐH, CĐ, trung cấp năm 2018 sẽ do Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Tuy nhiên, do phổ điểm năm nay tập trung khá nhiều ở mức trung bình nên các trường xét tuyển cũng sẽ khó tuyển được nhiều học sinh điểm cao, trừ một số ít trường tốp đầu.

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định điểm sàn, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin Tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (NV). Như vậy, thí sinh muốn điều chỉnh NV vào ngành nào, trường nào cần phải bám sát, theo dõi thông tin điểm sàn của từng ngành, từng trường để điều chỉnh cho phù hợp. Thí sinh nên nhớ, có hai nguồn chính để theo dõi điểm sàn của các trường đó là trên trang thông tin điện tử (website) của trường và Cổng thông tin Tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Nhiều ngành điểm trúng tuyển sẽ giảm

Nếu quan sát điểm trung bình của các tổ hợp xét tuyển (khối) truyền thống, so sánh với năm 2017 sẽ thấy điểm trung bình các khối đều giảm, trong đó, khối C00 giảm 1,91 điểm, mức giảm nhiều nhất so với các khối khác, khối D giảm ít nhất 1,23 điểm. Nếu so với năm 2016 thì khối A, khối D giảm 1,5 điểm nhưng khối A01, C00 thì không khác biệt nhiều. Nhận định cũng tương tự khi nhìn tỉ lệ thí sinh đạt điểm từ 15 điểm trở lên qua các năm. Như vậy, dự báo nhiều ngành thuộc khối A00, B00 sẽ có mức điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) giảm hơn so với năm 2016, 2017; khối A01, C00 có thể giảm nhiều so với năm 2017, nhưng không chênh lệch nhiều so với năm 2016; khối D có thể giảm nhẹ so với năm 2017.

Thí sinh thuộc diện được hưởng khu vực ưu tiên cũng hết sức lưu ý vì mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) giảm 0,25 điểm so với các năm trước để thận trọng hơn trong đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, kết quả thi năm nay cũng giúp các trường top trên hạn chế bớt những khó khăn đã gặp ở năm 2017 khi xây dựng điểm trúng tuyển.

Để được tư vấn chuyên sâu về cơ hội, thí sinh nên chuẩn bị bảng photo phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển vào ĐH và tham khảo trước điểm chuẩn của năm 2016, 2017 để tăng cơ hội trúng tuyển đúng ngành học phù hợp với bản thân.

Từ kết quả phổ điểm ở trên, nếu phân tích kỹ đến từng địa phương, từng trường THPT, chắc hẳn ngành giáo dục sẽ có những giải pháp hiệu quả hơn để nâng chất việc dạy và học 2 môn tiếng Anh và Lịch sử ở bậc phổ thông. Trong khi đó, đối với các trường ĐH, việc tuyển sinh đối với các ngành chuyên biệt, ví dụ ngành Toán học, ngành Văn học, ngành Lịch Sử… cần cân nhắc việc đặt thêm tiêu chí điểm tối thiểu đối với các môn này (như tuyển sinh ở các ngành năng khiếu) hoặc nhân đôi hệ số đối với các môn này.

Tin cùng chuyên mục