Cần chiến lược căn cơ

Theo Tổ chức Nông lương (FAO) Liên hiệp quốc, nguồn cung cấp dồi dào và áp lực tồn kho lớn trong bối cảnh thị trường gạo châu Á đang chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động chính trị tại Thái Lan, gắn liền với chương trình hỗ trợ giá lúa nên các nước xuất khẩu gạo ở châu Á sẽ chịu áp lực mạnh.

Theo Tổ chức Nông lương (FAO) Liên hiệp quốc, nguồn cung cấp dồi dào và áp lực tồn kho lớn trong bối cảnh thị trường gạo châu Á đang chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động chính trị tại Thái Lan, gắn liền với chương trình hỗ trợ giá lúa nên các nước xuất khẩu gạo ở châu Á sẽ chịu áp lực mạnh.

Cạnh tranh càng gay gắt khi gạo giá rẻ của Thái Lan tràn ngập thị trường thế giới. Sau khi chương trình hỗ trợ kết thúc vào cuối tháng 2-2014, nông dân buộc phải tự giải quyết vụ thu hoạch mới từ tháng 3-2014 bằng cách bán rẻ cho các nhà xay xát và xuất khẩu. Cùng với đó là việc bán ra lượng hàng tồn kho vượt mức của Chính phủ Thái để lấy tiền trả nợ cho nông dân thực hiện chương trình cam kết vụ chính từ tháng 10-2013. Do không thể vay tiền từ các cơ chế khác, Thái Lan thông báo sẽ bán tiếp 800.000 tấn. Vừa qua, Thái Lan đã bán 600.000 tấn gạo vào trung tuần tháng 2, gồm 400.000 tấn qua đấu giá và 200.000 tấn bán trực tiếp cho các nhà xuất khẩu, với giá khoảng 10.000 baht/tấn. Nếu nông dân cũng bán ra thị trường khoảng 5 triệu tấn gạo vụ 2, dự kiến thu hoạch từ tháng 3, giá gạo Thái sẽ còn giảm thêm và sẽ tác động mạnh đến giá gạo trên thị trường thế giới. Như vậy, điều mà các nước, nhất là Việt Nam lo ngại khi Thái Lan “xả hàng” sẽ tác động xấu đến giá gạo thế giới đang trở thành hiện thực, đặc biệt tại thị trường châu Á, vốn là thế mạnh của gạo Việt Nam.

Tại cuộc họp mới đây của Ban chấp hành Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các thành viên đều cho biết đang chịu áp lực cạnh tranh từ Thái Lan với tất cả các chủng loại gạo vì Việt Nam không có thị trường gạo đặc thù như Ấn Độ và Pakistan (gạo đồ, gạo thơm cao cấp Basmati) và phải xuất khẩu với số lượng lớn, nên sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất khi Thái Lan bán phá giá. Với bối cảnh đó, giải pháp trước mắt vẫn là tìm cơ hội xuất khẩu qua Trung Quốc, kể cả đường biên mậu để góp phần tiêu thụ lúa gạo và giữ giá trong nước ổn định, nhất là khi vụ lúa đông xuân vào giai đoạn thu hoạch rộ và dự báo sẽ có mùa vụ bội thu.

Những tháng cuối năm 2013, việc gạo Việt hút hàng theo 2 đường chính ngạch và biên mậu với Trung Quốc rất lớn, trên 3 triệu tấn là yếu tố giúp gạo Việt không bị giảm giá mạnh, khi hợp đồng thương mại trầm lắng. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường phức tạp, không thể lường hết. Doanh nhân Trung Quốc nắm rõ tình hình, nên khi trở lại mua gạo Việt Nam, điều đầu tiên họ thường yêu cầu Việt Nam phải giảm giá bán. Phải chăng vì vậy VFA đã phải chấp nhận giảm giám bán gạo 5% tấm từ 405 USD/tấn (tháng 2) xuống còn 380USD/tấn (đầu tháng 3). Với giá xuất này thấp hơn giá gạo trong nước và chấp nhận trở lại là nước có giá bán thấp nhất trong các nguồn cung ở châu Á, sau khi ở mức cao từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, giá lúa gạo thời gian tới khó giữ được giá hiện nay nếu không có giải pháp cụ thể nào.

Bộ NN-PTNT đã đề nghị triển khai sớm chương trình tạm trữ lúa gạo với thời gian hỗ trợ dài hơn (từ 3 tháng lên 4 tháng), đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Trong thời gian tới, chúng ta cần có chiến lược căn cơ cho lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục