Cần có một tấm lòng ​​

Căn phòng bà Helen Fernandez đang ở từng là một nơi rất bừa bộn. Kể từ khi chồng mất 17 năm trước, bà sống một mình, không người thân, bạn bè. Sống tách biệt với xã hội, dần dà, bà trở thành người cô đơn và mắc chứng mất trí. 
“Đôi bạn thân” Ahmala và Helen Fernandez
“Đôi bạn thân” Ahmala và Helen Fernandez
Nhưng giờ đây, ai cũng bất ngờ với hình ảnh cụ bà 78 tuổi vui vẻ, nhanh nhẹn. Tất cả là nhờ sự giúp đỡ của những tình nguyện viên như Ahmala Rajoo. Biết đến trường hợp của bà Helen qua Trung tâm bảo trợ xã hội Singapore vào năm 2015, Ahmala là người chăm sóc bà từ đó đến nay. Ahmala nhớ lại lần đầu gặp bà là lúc đưa bà đến bệnh viện do huyết áp của bà tăng rất cao. “Bà Helen bị mất trí nhớ. Theo quy định, bà được nhận tiền trợ cấp 500 SGD/tháng (khoảng 361 USD), nhưng bà không thể nhớ đã làm gì với số tiền đó”, Ahmala nói. 
Qua thời gian được Ahmala quan tâm chăm sóc từ bữa ăn hàng ngày, đưa đón thăm khám sức khỏe định kỳ cho đến tham gia các hoạt động của nhóm tình nguyện Helping Joy mà cô là thành viên, sức khỏe của bà Helen tiến triển tích cực. Với bà Helen, Ahmala không phải là một nhân viên xã hội mà là một người bạn thân.
Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ở Singapore không thiếu các chương trình hỗ trợ của nhà nước nhằm đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản, từ trợ cấp y tế cho đến tem phiếu lương thực, hỗ trợ tài chính dài hạn... Tuy nhiên, họ vẫn cảm thấy bị cô lập trong xã hội. Sự kỳ thị đối với những người bị mắc bệnh tâm thần cũng kiến nhiều người cao tuổi ở quốc gia Đông Nam Á bị xã hội lãng quên.
Cũng vì lẽ đó, người già bị trầm cảm và có khuynh hướng quyên sinh. Tỷ lệ người cao tuổi quyên sinh ở Singapore đang có xu hướng gia tăng với năm 2010 ghi nhận 95 trường hợp thì năm 2014 là 126 trường hợp. Ahmala cho biết, rất nhiều trường hợp cô tiếp xúc đều nói rằng họ chỉ “chờ chết” và chẳng mong muốn, trông chờ điều gì khác.
Y tá Jesmond Oh đã từng gặp phải trường hợp như vậy. Đó là một người đàn ông 60 tuổi, đi lại rất khó khăn vì một ngón chân bị cắt bỏ do căn bệnh tiểu đường. Khi anh Jesmond cùng nhóm tình nguyện của bệnh viện Tan Tock Seng lần đầu đến thăm người đàn ông này với mong muốn giúp chữa trị thì ông nhất quyết không nghe và khăng khăng “tự chữa” theo cách của mình. “Ông ấy mất hết niềm vui với cuộc sống và không ít lần tìm đến cái chết”, anh Jesmond cho hay. Nhưng nhóm của anh Jesmond không nản lòng, sau 6 tháng kiên trì thuyết phục, họ đã trở thành những người bạn thân. Chế độ dinh dưỡng, lịch hẹn với bác sĩ điều trị ở bệnh viện mà anh Jesmond đưa ra đều được ông vui vẻ làm theo. Sức khỏe ông nhờ đó cũng tiến triển.
“Họ mất niềm vui, niềm tin vào cuộc sống vì nhiều lý do nhưng hãy ở bên họ, quan tâm, chăm lo cho họ những điều nhỏ nhất để họ thấy rằng vẫn còn nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống đang chờ đón họ trong đoạn cuối của cuộc đời”, đó là chia sẻ của anh Jesmond và cũng là tâm niệm của rất nhiều tình nguyện viên, nhân viên xã hội ở Singapore, những người đang điểm tô cuộc sống bằng sự sẻ chia và tấm lòng nhân ái.

Tin cùng chuyên mục