Cần có xe buýt đón khách theo yêu cầu và các trạm xe đạp

Để kết nối với các trạm xe buýt, đối với cư dân ở xa các trạm, TPHCM nên thiết lập các trạm xe đạp và ngay các trạm xe buýt cũng cần có trạm xe đạp.

Ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng, việc đi lại của người dân chủ yếu bằng xe cá nhân (ô tô, xe máy), xe buýt, xe công. Tuy nhiên, hạ tầng phát triển chậm, không đáp ứng kịp thời so với số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường... Những giải pháp về mở rộng đường, xây nhiều cầu vượt trên các giao lộ, làm các dải phân cách, thiết lập đường một chiều cũng vẫn chỉ là tạm thời, hiệu quả không cao. 

Tôi đề xuất một giải pháp hữu ích cho hệ thống giao thông công cộng, cụ thể, cùng với các tuyến metro, TPHCM cần có đường dành cho xe buýt để vận chuyển hành khách thuận lợi. Trong đó, bên cạnh các xe buýt đón/trả khách ở đúng trạm, cần có thêm loại xe buýt đón/trả khách trên tuyến đường đi ở vị trí theo yêu cầu của người dân. Các xe buýt cần phải được thông minh hóa, có máy tính tiền tự động, tự động tính cước phí cho hành khách theo quãng đường đi thực tế. Ví dụ, tuyến xe buýt dài 10km, cước phí suốt tuyến là 10.000 đồng, nếu hành khách đi quãng đường 2km thì chỉ phải trả 2.000 đồng. Trả tiền theo đúng quãng đường thực tế là một trong những cách thu hút người dân đi xe buýt, người dân không còn phải trả tiền “oan” cho những đoạn đường không đi. Cước phí xe buýt cần trả qua thẻ thông minh thay cho dùng vé giấy xé tay như hiện nay. Thẻ trả tiền cho xe buýt nên tích hợp với các loại thẻ dùng chung cho phương tiện công cộng khác, người dùng có thể nộp tài khoản thông qua tài khoản ngân hàng, điện thoại…

Để kết nối với các trạm xe buýt, đối với cư dân ở xa các trạm, TPHCM nên thiết lập các trạm xe đạp và ngay các trạm xe buýt cũng cần có trạm xe đạp. Như vậy, người dân dễ dàng đi từ khu dân cư tới trạm xe buýt và ngược lại. Ga tàu điện cũng cần được bố trí các trạm xe đạp để kết nối hành khách với các phương tiện khác. Để chống trộm cắp, xe đạp được khóa lại, người dân có nhu cầu đi xe chỉ cần dùng thẻ cắm vào khóa xe đạp để mở khóa (xác thực với trạm xe đạp). Khi trả xe, người dân để xe vào đúng nơi quy định ở trạm xe đạp, rút thẻ xe ra khỏi xe đạp và xe tự động được khóa lại. Nếu hành khách không trả lại xe thì sẽ bị trừ tiền vào tài khoản thẻ, tương ứng với thời gian chậm trả xe, cước phí tính theo thời gian và quãng đường hành khách sử dụng để hành khách nhanh chóng đưa xe về trạm. 

Tôi tin rằng, có hệ thống giao thông công cộng được thiết lập như trên, người dân TPHCM dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện đi đến địa điểm mong muốn. Hệ thống giao thông công cộng hoạt động liên tục, tải trọng lớn, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đường sá thông thoáng, giá thành vận tải giảm, qua đó góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại. Đồng thời tối ưu hóa được vấn đề vận tải hành khách, giảm tiêu hao năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục