Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa thời chống Mỹ

Nằm cách trung tâm TP Biên Hòa gần 30km, khu căn cứ của Tỉnh ủy Biên Hòa thời chống Mỹ là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai thời chống Mỹ. 
Học sinh Bình Sơn xem sa bàn căn cứ
Học sinh Bình Sơn xem sa bàn căn cứ

Di tích nằm bên suối Cả, xã Bình Sơn, huyện Long Thành vốn là nơi làm việc của Tỉnh ủy Biên Hòa từ năm 1961-1975 và cũng là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 240 (được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng năm 2012) đã được tỉnh Đồng Nai xếp hạng là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. 

Khu di tích có diện tích hơn 6ha được xây dựng từ năm 2005 và đến năm 2016 đã cơ bản hoàn thành với nhiều hạng mục chính như: Nhà trưng bày hiện vật, sa bàn căn cứ, Tượng đài Bộ đội Tiểu đoàn 240, Đài tưởng niệm và Nhà bia ghi danh các liệt sĩ của Tiểu đoàn 240, nhà nghỉ chân. Các hiện vật còn lưu giữ được khá nhiều. Đặc biệt, có xấp thư kháng chiến của đồng chí Nguyễn Công Hạnh (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy  Biên Hòa) dù đã ngả màu thời gian nhưng chan chứa tình cảm vợ chồng, người thân gửi ra tiền tuyến với niềm tin vào ngày toàn thắng. 
Bác Đặng Văn Hải (nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 240) vốn là một xạ thủ súng DKZ 57, xúc động cho biết: “Tôi ở khu căn cứ này từ ngày 20-12-1964 đến ngày 20-7-1967 thì tăng cường cho huyện Nhơn Trạch cho đến ngày giải phóng năm 1975. Khi đó, quân Mỹ đã rút nên khung cảnh rất hòa bình, khu căn cứ được bao bọc bởi rừng nguyên sinh có nhiều thú như hươu, nai, cọp, voi... và con đường nhựa 769 bây giờ (lúc đó chỉ là đường mòn rộng khoảng 4m do người Pháp làm để chuyên chở cao su khai thác từ các đồn điền quanh đây)”. 

Trận đánh đáng nhớ của người cựu binh già này khi còn đóng quân ở đây là trận công đồn Long Hưng (huyện Long Thành, nay thuộc TP Biên Hòa) vào lúc 0 giờ ngày 22-10-1968. Ông là người bắn khai hỏa diệt lô cốt địch để bộ đội xung phong đánh chiếm đồn địch; trận đánh diễn ra trong 30 phút với kết quả địch bị thiệt hại khoảng 1 trung đội, ta hy sinh 1 chiến sĩ và 4 chiến sĩ bị thương... 

Từ năm 2015, ngày 27-4 hàng năm được xem là ngày truyền thống họp mặt của khu căn cứ và Tiểu đoàn 240; là ngày các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tề tựu về để thắp hương cho đồng đội, gặp gỡ, tri ân các gia đình có công với cách mạng và giao lưu với thế hệ trẻ. Tương lai tới đây, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ có thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với khu di tích này.  

Tin cùng chuyên mục