Cần đánh giá kỹ hơn vấn đề nợ công, tham nhũng

Đó là một nhận định thẳng thắn được nêu trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trình bày trong phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 22-3.

(SGGPO).- Đó là một nhận định thẳng thắn được nêu trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trình bày trong phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 22-3.

Bản báo cáo đề nghị đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ chính phủ vượt giới hạn quy định, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp. Ngoài ra, kết quả thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu thị trường tài chính phát huy vai trò của kinh tế nhà nước, huy động nguồn lực ngoài khu vực nhà nước vào đầu tư phát triển... cũng là những vấn đề phải được đánh giá kỹ hơn.

Đáng lưu ý, theo cơ quan thẩm tra, báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu. Tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục”. Báo cáo của Chính phủ cần thể hiện rõ hơn nội dung này với sự phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục.

Đồng thời, Uỷ ban Pháp luật đề nghị báo cáo cần phân tích làm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, do nhận thức, do trách nhiệm của người đứng đầu hay do cơ chế, chính sách, pháp luật, từ đó nêu lên hướng khắc phục cho nhiệm kỳ sau.

Một nội dung quan trọng khác cũng được yêu cầu làm rõ là những bài học kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, con người cũng như cách thức, phương thức làm việc của Chính phủ, mối quan hệ giữa các thành viên Chính phủ và công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian qua.

“Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mong muốn Chính phủ khóa mới cần xây dựng các giải pháp hiệu quả, quyết liệt, đồng bộ hơn, để thực sự trở thành một Chính phủ vì dân, năng động, sáng tạo, công khai, minh bạch”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bình luận.

Cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ mới góp phần bảo đảm sự ổn định đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trước những diễn biến phức tạp khó lường của thế giới và khu vực.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục