Cần đẩy mạnh giáo dục di sản trong trường học

Tới đây, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các chuyên gia giáo dục kỳ vọng nội dung này sẽ được quan tâm đẩy mạnh, giáo dục có hiệu quả các giá trị truyền thống để qua đó bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

Đầu tuần qua, hơn 3.000 học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) đã có cơ hội tìm hiểu về loại hình nghệ thuật chèo thông qua trích đoạn Nỗi oan hại chồng thuộc tác phẩm chèo Quan âm Thị Kính. Đây là một trong những hoạt động sân khấu hóa, khởi động Tuần lễ bộ môn Ngữ văn năm học 2018-2019.

Điểm đặc biệt của chương trình là toàn bộ khâu chuẩn bị kịch bản, dàn dựng, ý tưởng phục trang, đạo cụ và phân vai diễn đều do các học sinh khối 8 của trường đảm nhận. Ngoài việc được xem trích đoạn biểu diễn, học sinh còn được tham gia trả lời các câu hỏi đố vui nhằm tìm hiểu kiến thức về loại hình nghệ thuật chèo.

Hoạt động được kỳ vọng là cơ hội giúp học sinh có cái nhìn rõ nét hơn về nghệ thuật chèo, qua đó tiếp thêm cho các em lòng tự hào, yêu quý một trong những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trước đó, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cũng tổ chức cho học sinh tìm hiểu kiến thức lịch sử thông qua các buổi biểu diễn cải lương, giao lưu, đặt câu hỏi với các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, để qua đó thắp lên tình yêu với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường thông qua các hình thức học tập về nguồn, tham quan, tìm hiểu tại các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của TPHCM như Lăng tướng quân Lê Văn Duyệt, Bảo tàng Lịch sử TPHCM…

Tương tự, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) từ nhiều năm qua đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử TPHCM thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại bảo tàng. Ngoài ra, học sinh cũng được tham gia các buổi học ngoại khóa tại Hội trường Thống Nhất, địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng.

Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng trường học đưa nội dung giáo dục di sản văn hóa vào chương trình học như các trường kể trên chưa nhiều. Việc dạy và học mới dừng ở mức độ giới thiệu kiến thức. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý “thi gì học đó” đang tồn tại trong đại đa số phụ huynh và giáo viên.

Ngoài ra các vấn đề phát sinh về chi phí, yêu cầu đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia học tập thực tế ở các địa điểm bên ngoài cũng trở thành lực cản khiến hoạt động này chưa thể lan rộng. Tới đây, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các chuyên gia giáo dục kỳ vọng nội dung này sẽ được quan tâm đẩy mạnh, giáo dục có hiệu quả các giá trị truyền thống để qua đó bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục