Cần đưa quan điểm tăng lương cho giáo viên vào luật

Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản...
Ngày 25-11, Bộ GD-ĐT đã thông tin một số vấn đề về sửa luật giáo dục. Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành để lấy ý kiến xã hội.

Hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông

Dự thảo luật Giáo dục sửa đổi đưa ra mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. 

Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân: 

- Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo.

- Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở (THCS) và giáo dục trung học phổ thông (THPT).

- Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.

- Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong đó, mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên; phát triển khả năng tự học và học tập suốt đời hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp THCS; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp THPT. 

Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THCS, học sinh có thể học tiếp lên THPT hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp. 

Giáo dục THPT được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp 12. Học sinh vào lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp THCS. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Trong thời gian học THPT, học sinh có thể chuyển sang học chương trình đào tạo trung cấp nếu đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể học lên đại học hoặc theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, Luật Giáo dục đã thực hiện 11 năm, đã phát huy tác dụng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển GD-ĐT, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí. Trong xu thế hội nhập quốc tế, luật GD đã làm nền chính sách để hội nhập. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển như vũ bão, đặt ra những yêu cầu mới về chất lượng giáo dục, đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế.

Sửa luật nhằm phù hợp với Hiến pháp; với Nghị quyết 29 của TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có những đột phá; Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, giáo dục phổ thông (một chương trình, nhiều sách giáo khoa; một số điều chỉnh về mục tiêu giáo dục, trong đó chú trọng phát triển năng lực học sinh)...

Hiện, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo luật để lấy ý kiến trong 60 ngày. Sau đó sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, tổ chức các hội thảo lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Tháng 1-2018 sẽ trình Chính phủ. 

Đang xin ý kiến Chính phủ về tăng lương giáo viên, miễn học phí THCS

Giải thích thêm một số vấn đề cụ thể, ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, quy định hiện hành là giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ trung học sư phạm. Nay nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung học lên cao đẳng. 

“Theo Nghị quyết 29 là tiến tới giáo viên phải có trình độ đại học. Tuy nhiên, nếu nâng lên ngay thì khó khả thi, gây khó khăn cho giáo viên, vì vậy phải có lộ trình, trước mắt đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên cao đẳng”, ông Vũ Đình Chuẩn nói.

Xếp tiền lương của giáo viên cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, điều này là luật hóa Nghị quyết 29. Hay miễn học phí cho học sinh THCS: Một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 29 là thực hiện giáo dục bắt buộc hết lớp 9 từ năm 2020, tức không đi học hết lớp 9 là phạm luật. Vì vậy, thực hiện miễn phí cho học sinh THCS theo lộ trình từ năm 2020.

Ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo sửa luật giáo dục cho biết, nâng lương giáo viên, miễn học phí THCS, nâng chuẩn giáo viên tiểu học… là những vấn đề mà Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến Chính phủ. Đây mới chỉ là dự thảo lần 2, đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ.

“Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là những vấn đề này đều có những căn cứ pháp lý rất quan trọng. Ví dụ vấn đề lương giáo viên đã được nêu rõ trong Nghị quyết 29. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính tính toán kỹ vấn đề kinh phí để tăng lương giáo viên”, ông Trịnh Ngọc Thạch nói.

Theo ông Trịnh Ngọc Thạch, lương giáo viên hiện còn thấp, nhiều giáo viên còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Ngay từ năm 2010, khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tiến hành khảo sát tiền lương giáo viên. Tiền lương giáo viên chủ yếu ngân sách lo. Có nhiều tỉnh thành dùng tới 90% chi ngân sách dành cho giáo dục để trả lương cho giáo viên. “Cần đưa quan điểm tăng lương cho giáo viên vào luật để thực hiện về mặt pháp lý, còn tính toán nguồn lực, lộ trình thực hiện như thế nào sẽ tiếp tục triển khai”, ông Trịnh Ngọc Thạch cho hay.

Về chuẩn đào tạo của giáo viên tiểu học, ông Thạch cũng cho biết, Nghị quyết 29 đã nêu tiến tới giáo viên có trình độ đại học, nhưng trước mắt nâng chuẩn tiểu học. Đây là điều khả thi vì hiện nay tỷ lệ giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp không còn nhiều.

Tin cùng chuyên mục