Cần giải quyết chính sách đầy đủ, thỏa đáng

50 năm qua, không ít người tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn chưa được giải quyết chính sách thỏa đáng.
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968 tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968 tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và ý nghĩa của chiến thắng mãi mãi được ghi đậm trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Thắng lợi nào cũng có sự hy sinh, tổn thất, nhưng đến nay, không ít người tham gia vẫn chưa được giải quyết chính sách thỏa đáng, dù 50 năm đã trôi qua. 
“Ngán” thủ tục
Nhiều năm qua, ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang - Biệt động, luôn trăn trở về việc giải quyết chính sách đối với gia đình cụ Lê Thị Tập (99 tuổi, ngụ 19/12 Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú). Cụ Lê Thị Tập là cơ sở của Đội Biệt động 159. Trong lúc chuẩn bị vũ khí cho biệt động tiến đánh “đầu não” địch ở Sài Gòn, vũ khí bị nổ, cơ sở bị lộ. Gia đình cụ Tập, người thì bị địch bắt, nhà bị tịch thu. Sau những biến thiên lịch sử, căn nhà đó hiện nay người khác ở. “Cụ Tập sẵn sàng nhận “đền bù” bằng căn nhà khác, với mong muốn gia đình có chỗ ở ổn định. Thế nhưng, hồ sơ của cụ không được giải quyết theo diện chính sách có công, mà lại bị xếp vào diện “tranh chấp nhà ở”, rồi bị đề nghị chuyển sang tòa án giải quyết! Cụ lớn tuổi rồi, chúng tôi không biết có giúp cụ thực hiện được nguyện vọng không. Không biết chúng ta có kịp… trả nợ cho cụ không”, ông Độ áy náy.  
Ông Nguyễn Đức Hòa (69 tuổi, ngụ 19/7/147 tổ 4, khu phố 3, phường Phước Long B, quận 9, TPHCM) tham gia kháng chiến từ tháng 7-1963, là chiến sĩ biệt động, Đội 5 Sài Gòn - Gia Định, trực tiếp tấn công Dinh Độc Lập vào Xuân Mậu Thân 1968. Ông Hòa tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1976, ông Hòa phục viên. Không có lương hưu, giờ đây ông Hòa hưởng mỗi tháng 1,1 triệu đồng tiền chính sách thương binh 4/4 và 850.000 đồng chế độ bị địch bắt tù đày. “Cộng lại, mỗi tháng tôi được khoảng 2 triệu đồng. Mà giờ tôi bệnh tùm lum, cuộc sống khó khăn. Tôi tính đi làm thủ tục hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học để thêm chút đỉnh hàng tháng lo bệnh tật, nhưng địa phương đòi hỏi giấy tờ phức tạp. Tôi là người thật việc thật, sao lại bác đơn của tôi”, ông Hòa bức xúc. 
Ông Hòa kể, năm 1976, ông đã nộp bản chính phục viên của ông cho Sở Thương binh và Xã hội TPHCM (nay là Sở LĐTB-XH) để lãnh tiền trợ cấp phục viên. Mới đây, ông ghé phường nộp hồ sơ hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học thì cán bộ chính sách phường Phước Long B, yêu cầu ông Hòa phải đi… sao lục bản chính phục viên, không chấp nhận bản photo copy. Ông Hòa chất vấn: “Tại sao cả quyết định phục viên, thẻ thương binh của tôi, Sở LĐTB-XH đều quản lý, mà giờ còn bắt tôi phải đi lấy bản chính”. Ông Hòa không hài lòng bởi trong khi Nhà nước đang làm mọi cách để đơn giản hóa thủ tục hành chính, nỗ lực để giải quyết hồ sơ tồn đọng, thì lại có chuyện ngược đời như với ông. Ông Hòa chia sẻ, nếu cứ “hỏi khó” như thế này thì ông sẽ... bỏ luôn, không muốn làm hồ sơ hưởng chính sách nữa. 
Khắc khoải
Không chỉ bản thân mình, ông Hòa chia sẻ, nhiều người tham gia Mậu Thân 1968 như ông, do nguyên tắc bí mật, không ai cho ai biết tên tuổi, quê quán của mình, dù cùng chiến đấu với nhau. Tuy cùng đánh chung trận, song do chỉ biết nhau bằng bí danh nên giờ không thể biết tên tuổi thật để mà làm chứng cho nhau nhằm hoàn thiện thủ tục hưởng chính sách; cộng thêm nhiều trường hợp đồng đội cùng chiến đấu đã hy sinh nên không có người xác minh. Vì thế, theo ông Hòa, số người bỏ không làm, không được hưởng chính sách vẫn còn khá nhiều. 
Đó cũng là trăn trở của bà Đoàn Thị Nhỏ, cựu nữ biệt động, vợ đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu, nguyên Chỉ huy các lực lượng biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định). Bà cho biết có không ít người trực tiếp tham gia, không ít cơ sở quần chúng trong nội thành đã từng bao bọc những người tham gia Mậu Thân 1968, đến nay vẫn chưa được giải quyết chính sách thỏa đáng. Nhiều người liên lạc vợ chồng bà, khiến ông Tư Chu đến khi qua đời cũng không yên lòng. Trước đó, trong cuốn sách về 40 năm Mậu Thân 1968, ông Tư Chu tha thiết đề nghị trong bài viết của mình: “Tôi mong rằng các cơ quan Trung ương và TP có sự quan tâm thúc đẩy việc giải quyết quyền lợi, chính sách cho những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp lớn của dân tộc và những người có công đóng góp cho thắng lợi vang dội này, mà nhiều năm qua còn bỏ ngỏ”. 
Tương tự, ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), nguyên chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn - Gia Định, khắc khoải vì rất nhiều đồng đội của ông tấn công vào Dinh Độc Lập và các trọng điểm khác đã hy sinh, nay không biết xương cốt ở nơi nao. Hàng năm, ông Bảy Hôn đều làm giỗ tập thể các đồng đội của mình tại nhà và ước nguyện đơn vị chức năng sớm tìm được hài cốt các liệt sĩ, hoàn chỉnh đầy đủ thông tin nhân thân liệt sĩ và gia đình để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. 
Xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) là nơi 50 năm trước đặt trạm quân y tiền phương để cấp cứu thương binh của cánh quân hướng Tây Bắc được chuyển ra từ nội thành. Sau 4 ngày, trạm tiếp nhận gần 300 thương binh, chưa kịp chuyển đi thì sáng mùng 5 Tết, trạm quân y bị địch phát hiện và thả bom hủy diệt. Gần 300 người là thương binh, bác sĩ quân y, y tá đã hy sinh; chỉ còn 3 người sống sót. Theo Sở LĐTB-XH, từ năm 1995 đến nay, ở khu vực này mới có tổng cộng 44 bộ hài cốt được quy tập, vẫn còn hơn 200 bộ hài cốt chưa tìm kiếm được, trong sự ngóng trông mòn mỏi của bao gia đình.
Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM vừa qua, thượng tá Huỳnh Văn Tâm, Trưởng ban Chính sách (Bộ Tư lệnh TPHCM), cho biết trong giải quyết hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng hiện nay, khó nhất là việc xem xét và giải quyết hồ sơ cho một số trường hợp thuộc đơn vị Biệt động Thành và đơn vị đặc công. Chỉ riêng đơn vị Biệt động Thành đã tồn khoảng 200 hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ và hàng chục hồ sơ công nhận thương binh. Tuy nhiên, các trường hợp đa số chỉ có… bí danh, không rõ địa chỉ, quê quán hoặc của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng. Do chưa tìm ra địa chỉ nên chưa thể làm các bước tiếp theo trong xác lập hồ sơ. Vì vậy, tại TPHCM, ngoài 2 đối tượng trên còn không ít trường hợp là con người thật, việc thật, nhưng không có đủ yếu tố để xem xét, để lập hồ sơ đề nghị.
Ông PHAN XUÂN BIÊN, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:
                          Phải có chính sách phù hợp đền ơn đáp nghĩa
Trong danh sách những cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đề nghị khen thưởng bổ sung, rất nhiều trường hợp chỉ có cái tên cộc lốc, không đầy đủ họ tên. Tôi rất đau lòng khi đọc những cái tên liệt sĩ như Châu, Phước, Cường tấn công Dinh Độc Lập và hy sinh tại trận địa; Hưng, Hồng, Hiệp tấn công Đài Phát thanh Sài Gòn, cũng chỉ biết tên thật, không rõ họ đầy đủ, quê quán ra sao; các anh Quốc, Đổi, Liên, Mười, Dự, Châu, Cao, Viễn, Ngọc, Năm, Mười Rổ… tấn công Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, hy sinh tại trận địa song đến nay chỉ biết tên gọi, không rõ đầy đủ tên thật. 
Lực lượng biệt động nay không còn nữa, nhiều người “ra quân” về với đời thường gặp không ít khó khăn, có người đã hy sinh. Đã có nhiều đề xuất giải quyết chính sách cho lực lượng này, song cho đến nay vẫn chưa giải quyết thỏa đáng, đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp, đúng với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước ta, hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. 
Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: 
                                Cán bộ phải đến tận nhà làm chính sách giúp người dân
Riêng về quyết định phục viên của ông Nguyễn Đức Hòa cũng như các trường hợp tương tự khác, trước năm 1985, Sở Thương binh và Xã hội (nay là Sở LĐTB-XH) là nơi thực hiện chi trả trợ cấp một lần đối với quân nhân, chiến sĩ phục viên, xuất ngũ. Quyết định phục viên là chứng từ kế toán để chi trả trợ cấp. Hiện Sở LĐTB-XH không còn quản lý, do đã hết thời hạn lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định. 
Để giải quyết chính sách, chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, ngoài quyết định phục viên còn có các loại giấy tờ khác để chứng minh quá trình tham gia hoạt động cách mạng tại vùng quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học theo quy định. Ông Hòa có thể sử dụng một trong các loại giấy tờ này để thay thế.  
Tôi rất cảm thông với các trường hợp không còn giấy tờ gốc và giờ đây ngại “chứng minh” mình là người có công. Tôi khẳng định, trường hợp không còn giấy tờ gốc vẫn hoàn toàn có thể làm hồ sơ hưởng chính sách. Lúc này, trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn là cần ngồi lại, xem xét từng trường hợp, lấy ý kiến của nhân dân, của các bậc tiền bối, lão thành cách mạng… để xác nhận cho người chưa được hưởng chính sách. Các trường hợp già yếu, cán bộ ngành LĐTB-XH phải đến tận nhà hỗ trợ người dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục. Tôi yêu cầu cán bộ trong ngành không được ngồi ở văn phòng để đòi hỏi giấy tờ những người đã tham gia Mậu Thân 1968, cơ sở có công với cách mạng. TP tiếp tục nỗ lực ghi ơn, giải quyết hồ sơ tồn đọng. 
Trước tình trạng nhiều liệt sĩ tham gia Mậu Thân 1968 chưa tìm thấy hài cốt, Ban chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ TPHCM tiếp tục tìm kiếm ở khu vực đặt trạm quân y tiền phương ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi). Với các liệt sĩ hy sinh khi tấn công các điểm Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Đài Phát thanh Sài Gòn…, Mỹ thường đưa xác liệt sĩ về sân bay Tân Sơn Nhất chôn trong hố chôn tập thể. Hiện nay, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong trận đánh Xuân Mậu Thân 1968 ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang tiếp tục.

Tin cùng chuyên mục