Cần giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao hòa bình, sáng tạo

Ngày 13-7, dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan điểm về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) liên quan vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông và cùng kêu gọi kiềm chế, thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao giải quyết tranh chấp.
Cần giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao hòa bình, sáng tạo

Dư luận quốc tế sau phán quyết của PCA

>> Trung Quốc không có “các quyền lịch sử” ở biển Đông

Ngày 13-7, dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan điểm về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) liên quan vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông và cùng kêu gọi kiềm chế, thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao giải quyết tranh chấp.

Căn cứ vào phán quyết để xây dựng chính sách

Phán quyết của PCA là chủ đề xuyên suốt cả 4 phiên thảo luận tại Hội thảo biển Đông thường niên lần thứ 6 diễn ra tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Mỹ. Đại diện của Việt Nam tham dự cuộc hội thảo năm nay, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đánh giá tình hình biển Đông trong năm 2016 vẫn đáng lo ngại. Theo ông, các bên liên quan cần phải căn cứ vào phán quyết của PCA để xây dựng chính sách tại biển Đông trong thời gian tới.

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia - học giả quốc tế ca ngợi phán quyết của PCA, trong khi một số học giả Trung Quốc dù có những phát biểu mềm mỏng hơn song vẫn cảnh báo phán quyết có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở biển Đông. Nhìn chung, các học giả đánh giá phán quyết này có ý nghĩa bước ngoặt đối với việc giải quyết các tranh chấp tại biển Đông. Bên cạnh đó, ông John McManus, giáo sư sinh học biển và nghề cá tại Đại học Miami, hối thúc thành lập công viên hải dương ở biển Đông để bảo vệ hệ sinh thái của vùng biển này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 13-7 tuyên bố nước này để ngỏ khả năng có các cuộc thảo luận với Trung Quốc về việc thực thi phán quyết mang tính bước ngoặt của PCA về tranh chấp tại biển Đông liên quan đến hai nước này và các bên khác. Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, ông Yasay nhấn mạnh, Chính phủ Philippines “sẽ trình bày rõ ràng các bước tiếp theo nhằm đảm bảo rằng phán quyết trên sẽ được thực thi một cách hòa bình”. Ngoại trưởng Yasay, cũng là một luật sư, nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là lập tức đạt được thỏa thuận với các nước liên quan để cùng hưởng lợi.

Chủ tịch EC Donald Tusk kêu gọi Trung Quốc tôn trọng trật tự quốc tế

Liên minh châu Âu (EU) hy vọng phán quyết của PCA tạo động lực giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã bày tỏ hy vọng phán quyết của PCA sẽ có ý nghĩa quan trọng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề ở vùng biển này. Ông Tusk cho biết, giới chức lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về vụ kiện của Philippines và khẳng định EU hoàn toàn tin tưởng vào PCA và tiến trình vụ kiện, đồng thời bày tỏ hy vọng phán quyết trên sẽ được sử dụng để tạo ra một động lực tích cực trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đối với tranh chấp trên biển Đông. Chủ tịch EC cũng cho biết, EU sẽ tiếp tục ủng hộ việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Kiềm chế các hành động đơn phương

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân theo quyết định của tòa vì “đó là phán quyết cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên”. Phát biểu trước báo giới, bà Bishop kêu gọi “kiềm chế hành vi cưỡng chế và hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng tại khu vực tranh chấp. Tất cả các quốc gia có yêu sách đều được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Bà nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực Đông Á và phán quyết của PCA là một trường hợp thử nghiệm quan trọng cho khu vực trong quản lý các tranh chấp một cách hòa bình.

 

Giới lãnh đạo Á - Âu khuyến cáo tránh hành động đơn phương

Các nguồn tin ngoại giao ngày 13-7 cho biết, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11), từ ngày 14 đến 16-7 tại Ulan Bator (Mông Cổ), giới lãnh đạo châu Á và châu Âu có kế hoạch khuyến cáo các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở những khu vực tranh chấp. Nguồn tin trích dẫn nội dung dự thảo tuyên bố của hội nghị nói rằng, với việc lưu ý tới những căng thẳng ở biển Đông, các nhà lãnh đạo sẽ tái xác nhận nguyên tắc tránh “những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, vốn có nguy cơ làm leo thang căng thẳng”.

 

Hãng tin Yonhap trích dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 13-7 nhấn mạnh nước này luôn duy trì quan điểm rằng tranh chấp cần được giải quyết phù hợp với những thỏa thuận có liên quan cũng như các quy định của quốc tế. Tuyên bố có đoạn viết: “Chính phủ Hàn Quốc ghi nhận phán quyết được công bố ngày 12-7 và hy vọng về một giải pháp cho cuộc tranh chấp tại biển Đông thông qua các nỗ lực ngoại giao hòa bình và sáng tạo”. Bộ trên tái khẳng định lập trường là hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không phải được đảm bảo tại khu vực trên.

Ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, bà Hillary Clinton, đã hoan nghênh phán quyết của PCA. Trong một tuyên bố, cựu Ngoại trưởng Mỹ cho rằng: “Điều quan trọng là tất cả các bên phải tuân thủ phán quyết trên và tiếp tục theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”. Cố vấn của ứng cử viên tranh cử tổng thống bên phía đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết, ông Trump cũng hối thúc tất cả các bên tôn trọng phán quyết của PCA trong vụ kiện của Philippines.

Thượng nghị sĩ Canada Tobias C. Enverga hối thúc Chính phủ Canada làm mọi việc trong khả năng để đảm bảo các bên liên quan tuân thủ các công ước quốc tế và kêu gọi Chính phủ Trung Quốc thực thi nghĩa vụ quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển mà Bắc Kinh đã phê chuẩn năm 1996.

Bên cạnh sự ủng hộ và tán thành cũng có một vài ý kiến trái chiều khác, tờ Khmer Times ngày 13-7 đăng tải bài báo của ông Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia, trong đó cảnh báo về nguy cơ căng thẳng khu vực sau phán quyết của PCA và đề nghị Philippines không nên ép các thành viên ASEAN khác đưa ra tuyên bố chung ủng hộ phán quyết của tòa, vì hiện chưa có đồng thuận trong nội bộ ASEAN.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong cuộc gặp Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini cho biết, nước này sẽ không chấp nhận bất cứ tuyên bố hay hành động nào dựa vào quyết định của PCA về tranh chấp biển Đông.

Lãnh thổ Đài Loan sẽ điều một tàu chiến ra biển Đông ngày 13-7 vì cho rằng phán quyết của PCA làm suy giảm những tuyên bố chủ quyền của Đài Bắc đối với những đảo ở biển Đông. Trong phán quyết hôm 12-7, PCA khẳng định Ba Bình là bãi đá không đủ tiêu chuẩn để lập vùng đặc quyền kinh tế.

Báo chí các nước ủng hộ phán quyết PCA

Báo chí Ấn Độ số ra ngày 13-7 đưa tin đậm nét về phán quyết của PCA. Tờ Hindustan Times cho rằng, PCA được thành lập theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), cả Trung Quốc và Philippines đều là các bên ký kết công ước này nên sẽ chịu ràng buộc về phán quyết. Còn tờ The Hindu đăng tải quan điểm của Ấn Độ cho rằng phán quyết này cho thấy sự củng cố của “luật pháp quốc tế”.

Hãng Thông tấn quốc gia Malaysia Bernama đã đăng bài phản ánh ý kiến của các nhà phân tích nước này. Theo đó, ASEAN cần cùng với Trung Quốc đẩy nhanh việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Nhà nghiên cứu địa chính trị, GS-TS Azmi Hassan cho rằng, quyết định của PCA cần trở thành xung lực cho ASEAN, đặc biệt là 4 quốc gia có yêu sách chủ quyền, trong việc thúc đẩy Trung Quốc ký kết COC. Ông nói: “ASEAN cần phải có bước đi táo bạo để buộc Trung Quốc phải ký COC. Không có lý do gì nữa cho việc Trung Quốc trì hoãn việc này”.

Một nhà phân tích khác, GS Abu Bakar đến từ Khoa nghiên cứu quốc tế, Đại học Malaysia dự đoán Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện về quân sự trên biển Đông để trả đũa quyết định nói trên. GS Abu bình luận, Trung Quốc sẽ không chỉ bị kích động bởi phán quyết mà còn xem đó là nỗ lực được phương Tây dàn xếp để ngăn cản chiến lược lớn của nước này trở thành một siêu cường toàn cầu hùng mạnh hơn.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục