Cần Giờ tìm hướng đi mới

Vụ muối năm nay trên đất Cần Giờ đã có những dấu hiệu khởi sắc. Ngay từ đầu vụ thu hoạch, diêm dân đã có thể yên tâm khi giá muối ở mức khá cao. 
Diêm dân sản xuất muối tại Cần Giờ . Ảnh: THANH HẢI
Diêm dân sản xuất muối tại Cần Giờ . Ảnh: THANH HẢI
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp TPHCM vẫn có kế hoạch chuyển đổi dần diện tích muối ở huyện Cần Giờ sang nuôi trồng các loại cây con khác để có giá trị và thu nhập cao hơn cho nông dân.
Giá cao, thu nhập vẫn thấp  
Không ít người đã ngạc nhiên khi biết rằng TPHCM, đúng hơn là huyện biển Cần Giờ, lại là một trong những địa phương dẫn đầu về diện tích và sản lượng muối của cả nước, chỉ sau tỉnh Ninh Thuận và Bạc Liêu. Diện tích ruộng muối đưa vào sản xuất hàng năm trên 1.600ha, sản lượng bình quân trên 100.000 tấn/năm, năng suất hơn 60 tấn/ha/năm. Riêng năm 2015 và 2016, sản lượng đạt trên 135.000 tấn/năm, năng suất bình quân đạt hơn 82 tấn/ha. 
Từ năm 2010 đến nay, nghề sản xuất muối ở huyện Cần Giờ có sự chuyển biến đáng kể, người dân từng bước chuyển đổi từ sản xuất muối kiểu truyền thống (kết tinh trên nền đất) sang sản xuất theo kiểu kết tinh trên ruộng có trải bạt. Đến nay, diện tích muối kết tinh trên nền ruộng trải bạt lên đến 990ha. Có thể nói, việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất muối trong thời gian qua góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm muối làm ra của bà con diêm dân. Muối trắng và sạch hơn so với cách sản xuất muối truyền thống trên nền đất. Thế nhưng, hạn chế của hoạt động sản xuất muối ở Cần Giờ là còn phân tán, mang tính tự phát, việc tiêu thụ muối chưa ổn định. Điều đáng nói hơn, tuy là nghề truyền thống nhưng phần lớn các hộ sản xuất muối đều thuộc diện nghèo, trong khi đây lại là một trong ít nghề có thu nhập bình quân thấp nhất so với các loại sản phẩm nông nghiệp khác. Giá muối trên nền bạt hiện ở mức 1.300 đồng/kg, muối sản xuất trên nền đất 1.100 đồng/kg, tăng 400 - 600 đồng/kg so với giá đầu vụ 2017. Được biết, giá muối tại đồng ở Cần Giờ năm 2016 chỉ có 340 đồng/kg nếu thương lái mua và 420 đồng/kg khi bán cho doanh nghiệp, trong khi giá thành sản xuất là 650 đồng/kg. Như vậy, dù giá muối năm nay đã tăng cao so với năm trước nhưng tổng thu nhập của diêm dân vẫn ở mức rất thấp. 
TPHCM là một thành phố có nền nông nghiệp đô thị phát triển khá ổn định, với giá trị sử dụng đất nông nghiệp bình quân khoảng 410 triệu đồng/năm (vào loại cao nhất cả nước), thu nhập bình quân ở ngoại thành hiện nay cũng trên 40 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, nghề sản xuất muối, xét về lâu dài, là không phù hợp với chủ trương chuyển dịch sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao để nâng mức thu nhập cho người dân nông thôn.
Chuyển đổi 
Trước đây, ngành nông nghiệp TPHCM từng quy hoạch vùng sản xuất muối Cần Giờ ở con số 1.000ha, tập trung tại xã Lý Nhơn và xã đảo Thạnh An, đồng thời chủ trương không sản xuất và phát triển diện tích muối trong rừng phòng hộ. Nhưng theo kết quả rà soát việc sản xuất muối trên địa bàn do huyện Cần Giờ thực hiện, diện tích đất sản xuất muối lên đến hơn 2.100ha, có ở 3 xã Lý Nhơn, Thạnh An, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Trong số diện tích muối có đến gần 800ha nằm trong rừng phòng hộ ở 3 xã nói trên và nhiều nhất là tại xã Lý Nhơn (hơn 327ha). 
Do sản xuất muối cho thu nhập quá thấp nên chủ trương của TPHCM là chuyển đổi dần diện tích muối, trước tiên là những diện tích muối ngoài vùng quy hoạch và trong rừng phòng hộ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 điều chỉnh diện tích quy hoạch muối từ 1.000ha xuống còn 664ha, bao gồm xã Lý Nhơn 584ha, Thạnh An 80ha. Sau năm 2020, tiếp tục giảm diện tích sản xuất muối để chuyển sang nghề nuôi trồng thủy sản và đến năm 2030 không còn quy hoạch diện tích muối ở TPHCM. Trước mắt, đối với diện tích muối sản xuất ngoài vùng quy hoạch, cơ quan chức năng vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, việc chuyển đổi là điều không dễ dàng. Có nhiều nguyên nhân: Giá muối có thể tăng (do giảm diện tích sản xuất) khiến diêm dân không tích cực chuyển đổi sang nuôi trồng các dạng cây con khác; không có vốn đầu tư, vì đa phần người làm muối thuộc diện hộ nghèo; điều quan trọng nhất, đây là nghề truyền thống, diêm dân thấy vẫn có lời và lại dễ làm hơn so với việc chuyển qua nuôi trồng thủy sản, dù có lúc thu nhập khá cao nhưng lại không ổn định vì dịch bệnh và môi trường ô nhiễm tác động đến vùng nuôi. Đặc biệt là người dân chưa biết chuyển đổi sang cây gì, con gì để đảm bảo thu nhập ổn định, trong khi giá muối hiện đang ở mức cao. Với nhiều gia đình nghèo, bà con thường e dè với ngành nghề mới, không chỉ vì vấn đề vốn mà còn do tâm lý sợ thất bại. 
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP, nuôi trồng thủy sản là hướng chuyển đổi chính trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Cần Giờ, nhưng sẽ gặp 3 cái khó. Đó là: vốn đầu tư, quy trình kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Điều băn khoăn nhất hiện nay là chưa thấy rõ cơ sở đảm bảo cho việc sản phẩm nuôi trồng có đầu ra ổn định và bán sẽ có lời. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật cho việc nuôi trồng thủy sản lại chưa được hoàn chỉnh. Chỉ khi nào làm tốt các khâu hạ tầng thì mới đảm bảo có nguồn nước sạch để đưa vào vuông tôm, không để xảy ra tình trạng nơi này xả ra, nơi kia thu vào (như hiện nay) khiến dịch bệnh có điều kiện phát triển và lây lan. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của từng hộ dân thì cần có thêm chính sách hỗ trợ của TPHCM cho việc chuyển đổi này, dù chậm nhưng chắc.
Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, việc chuyển đổi sang cây con khác có hiệu quả kinh tế hơn để nâng cao giá trị sản xuất ngành hàng nông sản, tăng thu nhập người dân, là điều nên làm. Trong thực hiện, cần tính đến lộ trình chuyển đổi và đầu ra sản phẩm để đặt lại vấn đề quy hoạch; khảo sát kỹ nguyện vọng của người dân để việc chuyển đổi phù hợp và thực tế, vì xét cho cùng, bà con nông dân mới là người thực hiện.

Tin cùng chuyên mục