​Cần hơn 25.000 tỷ đồng mở rộng theo quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất

Chiều 1-10, tại TPHCM, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TPHCM công bố quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết, hơn 1 năm qua, đến nay quy hoạch đã hoàn thành với sự nghiên cứu thận trọng, bài bản; có sự tham gia của các bộ ngành, cơ quan chức năng, các đơn vị tư vấn. Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và nhu cầu trong tương lai.

Để thực hiện quy hoạch, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ trực tiếp chỉ đạo triển khai nhiệm vụ. Cục Hàng không Việt Nam được yêu cầu sớm trình các hình thức đầu tư, phương án huy động vốn đầu tư cho sân bay này. 

​Cần hơn 25.000 tỷ đồng mở rộng theo quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 1 Sân bay Tân Sơn Nhất

Theo Công ty Tư vấn thiết kế công trình hàng không (ADCC) - đơn vị tư vấn, để thực hiện việc mở rộng theo quy hoạch cần số vốn hơn 25.000 tỷ đồng (chưa tính giải phóng mặt bằng); trong đó xây dựng sân đường máy bay 6.000 tỷ đồng, nhà ga hành khách 7.600 tỷ đồng, xây dựng nhà ga hàng hóa - hangar - dịch vụ hàng không phía Bắc 3.800 tỷ đồng và các hạng mục khác.

Đánh giá về công suất hiện tại, ADCC cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, vì vậy việc mở rộng theo quy hoạch là vô cùng cấp thiết. Cụ thể, năm 2017, sân bay đã khai thác vận chuyển 36 triệu hành khách (trong khi công suất của sân bay theo thiết kế chỉ có 25 triệu hành khách), nhu cầu vị trí đỗ tàu bay cần phải có là 86-106 vị trí (hiện con số này chỉ là 55 vị trí). Cấu hình khu bay bây giờ chỉ có thể khai thác 44 chuyến giờ cao điểm, không đáp ứng nhu cầu, chính vì vậy máy bay chờ lăn vào - ra đường băng rất nhiều, tạo ách tắc, quá tải. Mục tiêu quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 sẽ đạt sản lượng vận chuyển hành khách 50 triệu hành khách/năm, vận chuyển hàng hóa 0,8-1 triệu tấn hàng hóa/năm, số vị trí đỗ 106 vị trí.

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791ha (chưa bao gồm diện tích đất quốc phòng). Trong đó, diện tích cảng hiện hữu là 545ha, diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ gần 20ha, diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng hơn 18ha, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam hơn 35ha, diện tích đất bổ sung phía Bắc hơn 171ha.

Hệ thống đường lăn, quy hoạch bổ sung 3 đường lăn song song, 5 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối... Về nhà ga, sẽ sử dụng và cải tạo hệ thống nhà ga hành khách T1 và T2 hiện hữu, bổ sung nhà ga hành khách T3 ở phía Nam, bổ sung thêm nhà ga hàng hóa - khu hàng hóa - logistic phía Bắc với diện tích 20ha.

Ngoài ra, ngành giao thông cũng xây dựng hệ thống giao thông nội bộ và các đường kết nối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất  theo quy hoạch mới.

Liên quan đến cụm sân bay phía Nam, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, về sân bay Long Thành, Bộ GTVT đang cố gắng thực hiện các công việc để cuối tháng 10-2018 nghe báo cáo và đến tháng 10-2019 trình Quốc hội chủ trương đầu tư giai đoạn 1 sân bay này. Hiện tỉnh Đồng Nai cũng đang chuẩn bị báo cáo dự án tiền khả thi về việc giải phóng mặt bằng 5.000ha của dự án sân bay Long Thành.

Tin cùng chuyên mục