Cần luật hóa các quy định

Nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư (NĐT), đồng thời góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang đưa ra lấy ý kiến; trong đó sẽ bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) đối với tất cả dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư (NĐT), đồng thời góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang đưa ra lấy ý kiến; trong đó sẽ bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) đối với tất cả dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước, việc bãi bỏ thủ tục cấp GCNĐKĐT được xem là bước đột phá trong quản lý đầu tư tại Việt Nam. Đây là cách tiếp cận hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ thế nào là dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Bởi lẽ, theo thống kê của cơ quan chức năng, lĩnh vực đầu tư có điều kiện hiện chiếm khoảng 400 lĩnh vực. Do đó, để tạo sự minh bạch trong thực thi, tránh gây khó khăn cho NĐT, cơ quan soạn thảo luật cần luật hóa danh mục dự án đầu tư có điều kiện trên cơ sở nội dung và điều kiện áp dụng phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế.

Bên cạnh đó, để tránh tạo ra khoảng trống trong quản lý nhà nước đối với các dự án không thuộc diện cấp GCNĐKĐT, luật cần có hình thức quản lý dự án đầu tư đối với các trường hợp này. Theo Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM, việc bãi bỏ thủ tục cấp GCNĐKĐT là cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện chức năng quản lý sau cấp phép và quản lý vĩ mô, dự thảo luật nên bổ sung hình thức quản lý dự án đầu tư theo hình thức đăng ký đầu tư - không cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho tất cả các dự án không thuộc danh mục dự án có điều kiện. Với hình thức này, NĐT chỉ cần thực hiện bảng đăng ký dự án đầu tư theo mẫu do cơ quan nhà nước ban hành gởi đến cơ quan quản lý đầu tư nơi thực hiện dự án; trong thời hạn 10 ngày làm việc, trường hợp dự án đầu tư không phù hợp quy hoạch hoặc thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép đầu tư theo quy định, cơ quan quản lý đầu tư có trách nhiệm ra văn bản phản hồi cho NĐT; ngược lại nếu cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư không phản hồi trong thời gian quy định này thì NĐT được triển khai dự án theo các thông tin đã đăng ký. Thông qua hình thức này, cơ quan quản lý đầu tư sẽ có đầy đủ dữ liệu để thực hiện công tác quản lý dự án đầu tư tại địa bàn được phân cấp, có đầy đủ thông tin để thực hiện công tác hậu kiểm; NĐT thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư do toàn bộ thông tin dự án đã được xem xét phù hợp với địa điểm quy hoạch được duyệt.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải cạnh tranh thu hút NĐT nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và khu vực thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách tạo môi trường đầu tư hấp dẫn là cần thiết. Tuy nhiên, những quy định trong văn bản luật phải rõ ràng, minh bạch để NĐT dễ dàng áp dụng. Bên cạnh việc bãi bỏ thủ tục đầu tư cho NĐT, văn bản luật cần phải có những biện pháp quản lý đi kèm để tránh những khoảng trống trong công tác quản lý nhà nước.

GIANG ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục