Cần minh bạch, rõ ràng trong phát triển du lịch văn hóa tâm linh

Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch tâm linh đã kéo theo việc xuất hiện nhiều trung tâm văn hóa tín ngưỡng mới với quy mô lớn như Bái Đính, Tam Chúc… Song, cũng nhiều ý kiến cho rằng đang có sự không rõ ràng trong việc hoạt động tín ngưỡng và cung cấp dịch vụ thông qua hình thức xây dựng các khu du lịch tâm linh. 
PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo
PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Sự phát triển của du lịch tâm linh đã kéo theo việc xuất hiện nhiều trung tâm văn hóa tâm linh và các chùa to, chùa lớn cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?

 PGS-TS CHU VĂN TUẤN: Tôn giáo là nguồn lực dồi dào dành cho du lịch. Việt Nam không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà còn đang sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa nói chung, tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng hết sức phong phú, đa dạng. Đây là một thế mạnh mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 30.000 cơ sở thờ tự của các tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam…), đấy là chưa kể hàng chục ngàn cơ sở tín ngưỡng (đình, đền, miếu…).

Trong số này, chiếm một tỷ lệ không nhỏ là các cơ sở thờ tự đã được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt. Bên cạnh các di sản tôn giáo, tín ngưỡng vật thể như vừa nêu, ở Việt Nam còn có các di sản tôn giáo, tín ngưỡng phi vật thể như các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng. Với số lượng cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng và các lễ hội tôn giáo lớn như vậy, thì đây là nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào cho phát triển du lịch. Nguồn tài nguyên này phân bố đều trên khắp cả nước, gắn với các khu vực, vùng miền, gắn với các tộc người, gắn với các loại hình văn hóa, phong tục, tập quán… do vậy có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách du lịch. Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt, không bị cạn kiệt như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Nếu như biết khai thác, phát huy gắn với giữ gìn, bảo tồn thì nguồn tài nguyên này còn tiếp tục được củng cố, làm giàu hơn, phong phú hơn, do đó có thể khai thác một cách lâu dài, bền vững.

Theo tôi, việc xây dựng các cơ sở tín ngưỡng văn hóa có quy mô lớn là nên làm. Việc khai thác các di sản tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ phục vụ du lịch mà còn có tác dụng quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng đối với các di sản văn hóa nói chung, di sản tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng, qua đó góp phần xã hội hóa công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này trong xây dựng và phát triển đất nước. Khai thác các di sản tôn giáo, tín ngưỡng chính là khai thác nguồn lực tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

 Có nhiều ý kiến lại cho rằng việc xây mới cơ sở vật chất to, lớn thì tính thiêng cũng vơi bớt bởi mất đi sự thanh tịnh vốn có của các cơ sở tôn giáo?

 Tôi không nghĩ như vậy. Trước hết phải khẳng định các cơ sở thực hành tôn giáo, tín ngưỡng đều được xây dựng từ nền móng của một di tích hoặc một cơ sở thờ tự đã có trước đó. Đặc biệt, với du lịch tâm linh thì trước hết phải là nơi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, là nơi để thờ cúng chứ không chỉ là những công trình kiến trúc đơn thuần.

Nhìn ở góc độ khác thì việc xây dựng cơ sở tín ngưỡng to và lớn hơn đều xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Trước đây, các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng phục vụ chính là cúng, lễ, nhưng nay do nhu cầu của xã hội nơi đây có là chỗ để sinh hoạt thực hành tín ngưỡng của cộng đồng. Bên cạnh hoạt động thuần túy về tín ngưỡng, tôn giáo là thờ cúng thì đã phát sinh thêm nhiều hoạt động đáp ứng nhu cầu của xã hội như tổ chức các khóa tu tập, các hoạt động thuyết pháp, hội nghị, hội thảo liên quan tới vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng với sự tham gia của hàng trăm, thậm chí cả ngàn người. Vì thế mong muốn được xây lớn hơn, rộng hơn cũng nhằm đáp ứng nhu cầu trên của người dân. Việc phát triển của các cơ sở văn hóa tâm linh cũng góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn, hướng thiện của tôn giáo đồng thời cũng nhằm để lại các công trình lớn cho hậu thế. 

 Thay vì chọn nơi thanh vắng, tịnh tâm thì nhiều cơ sở tôn giáo lại chọn địa điểm thuận tiện đường giao thông để thu hút người dân. Liệu đây có phải là biểu hiện thay đổi nhận thức về tôn giáo?

 Tôn giáo có vai trò xã hội, việc thay đổi này cũng đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Trước kia lượng người tham gia hoạt động thực hành tôn giáo tín ngưỡng ít nhưng nay nhu cầu lớn hơn cả về số lượng lẫn tần suất. Ví như trước đây chỉ tuần, rằm người dân mới đi chùa nhưng nay họ có thể đến lễ chùa mỗi ngày. Họ đến chùa không chỉ là để lễ mà còn muốn được tu tập, được nghe thuyết giảng giáo lý… Vì thế, việc xây dựng lớn hơn, thuận tiện hơn cũng là hướng tới người dân. 

 Theo ông có cần phân định rạch ròi giữa du lịch tâm linh và thực hành tín ngưỡng tôn giáo không khi mà sự không rõ ràng giữa kinh doanh và thực hành tín ngưỡng tại một số nơi đã làm xấu đi hình ảnh của tôn giáo?

 Thực ra việc phân định này là không đơn giản bởi lẽ người đến với đền, chùa… trước hết là với tâm lý là đi lễ và tiếp đó là để thăm viếng cảnh quan. Song rất cần phải có sự minh bạch và rõ ràng với những quy định chi tiết để các doanh nghiệp khi tham gia các loại hình du lịch tâm linh đều phải tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật, hoạt động tôn giáo. Các thiết chế văn hóa phải vận hành theo chuẩn mực của thiết chế văn hóa. 

Đúng là thời gian qua có nhiều dư luận về việc “mập mờ” mượn danh tôn giáo để kinh doanh. Tuy nhiên, theo tôi đây là vấn đề cần phải có cái nhìn đầy đủ, đa chiều, nhất là phải thật khách quan. Không nên vội vàng kết luận khi mới thấy hiện tượng. Vì thế, tôi cho rằng cần sớm có những quy định nhằm phân định rõ ràng minh bạch trong các hoạt động mang tính dịch vụ tại các khu du lịch văn hóa tâm linh này để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa tạo điều kiện cho du lịch phát triển đồng thời đem lại nguồn thu cho ngân sách.

 Xin cảm ơn ông!

Không giao hết 5.100ha đất cho chùa Tam Chúc

Ngày 23-7, Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Nam cho biết, đất Khu du lịch quốc gia Tam Chúc có 6 phân khu và không giao cho chùa Tam Chúc toàn bộ 5.100ha đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể từ năm 2018. Theo đó, 6 phân khu gồm: Khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp bờ Bắc hồ Tam Chúc), là nơi đón tiếp và cung cấp thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về dịch vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, thưởng thức ẩm thực; tham quan, tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, hội chợ, hoạt động vui chơi giải trí hiện đại. Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (chân núi Thất Tinh và Thung Vạc). Khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc (phía Tây giáp Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh lộ 74 đi chùa Hương và phía Nam là dãy núi Thất Tinh) là nơi tham quan nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên và động thực vật đặc hữu; tham quan hồ Tam Chúc, các công trình tôn giáo; tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, tham dự các lễ hội… Khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang. Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp phát triển chủ yếu như: cơ chế chính sách; đầu tư và thu hút vốn đầu tư; phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Nam, các khu vực này không giao hết cho chùa Tam Chúc. Nhà đầu tư nào phù hợp với các khu chức năng, có tiềm lực mạnh vào đầu tư thì tỉnh sẽ tạo điều kiện. Sở TN-MT tỉnh Hà Nam cũng khẳng định hiện chưa giao đất cho chùa Tam Chúc, còn định hướng là đất tôn giáo nên giao không thu tiền là phù hợp; việc kinh doanh trong chùa thì phải hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vận hành các dịch vụ tại chùa Tam Chúc thuộc Công ty TNHH DV Du lịch Tam Chúc có địa chỉ tại thị trấn Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam); người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Xuân Trung; bắt đầu hoạt động từ ngày 22-1-2019.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục