Cần một bản án công minh


Dư luận đang bày tỏ sự bất bình với bản án vừa được tuyên của Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Thái Nguyên khi xét xử vụ xe container tông xe Innova đi lùi trên cao tốc khiến 4 người thiệt mạng. 
Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên do xe Innova đi lùi đã khiến 4 người tử vong
Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên do xe Innova đi lùi đã khiến 4 người tử vong

Trong đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, TAND tỉnh Thái Nguyên đã kết tội oan cho Lê Ngọc Hoàng, tài xế xe container với 6 năm tù và phải bồi thường hơn 500 triệu đồng.

Theo ý kiến phân tích của những người ủng hộ tài xế Hoàng, xe container không vi phạm luật giao thông khi đi đúng làn đường, không vượt quá tốc độ quy định và không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện. Nhiều chứng cứ mới bổ sung cũng đã chứng minh tài xế Hoàng có rà phanh trước khi tai nạn xảy ra.

Lỗi thuộc về xe Innova bởi tài xế Ngô Văn Sơn đã đi lùi trên cao tốc, chở quá số người quy định và có nồng độ cồn trong máu. Việc TAND tỉnh Thái Nguyên căn cứ vào chứng cứ chính là “không giữ đúng khoảng cách an toàn” dẫn đến tai nạn đã bị nhiều ý kiến, đặc biệt là giới tài xế, cực lực phản đối khi cho rằng việc giữ khoảng cách an toàn trên cao tốc giữa một xe đang đi tiến và một xe đang đi lùi là không thể.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, quy định giữ khoảng cách an toàn trong Luật Giao thông đường bộ được xác định đối với các phương tiện cùng chiều và tịnh tiến để tránh không đâm vào xe đi trước khi gặp tình huống bất ngờ, do đó, các cơ quan tố tụng xác định lỗi một phần do xe container không giữ khoảng cách an toàn trong vụ tai nạn giao thông này là sai luật.

Vụ việc vẫn đang tiếp tục làm nóng dư luận, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc TAND tỉnh Thái Nguyên liệu đã làm đúng các nguyên tắc tố tụng khi xét xử vụ án này? Có phải vẫn có tình trạng xe to đền xe bé, ô tô đền xe máy, người sống đền người chết khi xét xử các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hay không? Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, từ năm 2015, quá trình cải cách tư pháp đã được triển khai với các hoạt động đổi mới thủ tục tố tụng, nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa, từ đó nâng cao chất lượng xét xử của tòa án, giảm thiểu tình trạng oan sai. Với các vụ án hình sự nói chung, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nói riêng, các cơ quan tố tụng phải căn cứ vào các chứng cứ pháp lý để xét xử.

Trên thực tế, có nhiều vụ việc tòa án đã xem xét trách nhiệm của người đi bộ, người đi xe máy chứ không phải mặc định xe to có lỗi. Đây đó, yếu tố con người, sự cảm tính, chủ quan chi phối công việc của những người tiến hành tố tụng, thực hiện thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử không phải là không có, và sẽ dẫn đến những bản án thiếu thuyết phục, gây bức xúc trong dư luận. Cải cách tư pháp đòi hỏi ngành tòa án, kiểm sát phải tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ để từ đó thực hiện tốt các nguyên tắc tố tụng mới, chỉ dựa vào căn cứ pháp lý để xét xử.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, với bản án vừa tuyên của TAND tỉnh Thái Nguyên, nếu không thuyết phục được bị cáo, những người tham gia tố tụng khác và cả người dân thì bị cáo hoặc tòa án cấp cao có quyền kháng nghị. Dư luận đang rất mong một bản án công minh đảm bảo đúng người, đúng tội được đưa ra, không muốn có thêm nữa một số phận, một gia đình gặp phải bi kịch vì bị xét xử oan sai.

Tin cùng chuyên mục