Cân nhắc hạng mục đầu tư

“Giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất khỏi vấn nạn ùn tắc giao thông là việc phải làm; tuy nhiên, đầu tư với mức độ nào cần cân nhắc thận trọng. 
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hiện việc “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất nhận được rất nhiều ý kiến góp ý cũng như đề xuất thực hiện hàng loạt công trình xây dựng. Mới đây, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đề xuất xây dựng tuyến tàu điện (1 đường ray) vào sân bay Tân Sơn Nhất để tách khách vào sân bay với người dân mượn đường Trường Sơn.

Tuyến monorail này có điểm xuất phát từ depot trung tâm ở bên Công viên Gia Định hiện hữu, tiếp giáp với đường Bạch Đằng. Sau đó đến cửa sân bay Tân Sơn Nhất, ra đường Trường Sơn, tiếp cận ga đón - trả khách ở Công viên Hoàng Văn Thụ.

Chiều dài toàn tuyến monorail khoảng 6,3km, hoàn toàn đi trên cao nên chiếm diện tích mặt đất rất ít, thời gian xây dựng khoảng 18 tháng với tổng mức đầu tư khoảng 4.725 tỷ đồng. Tuyến tàu điện monorail dự kiến chuyên chở vào ra sân bay trên 120.000 người/ngày và tần suất hoạt động 4 phút/chuyến.

Cũng có nhà khoa học đề xuất thu phí ô tô đi qua đường Trường Sơn mà không vào sân bay Tân Sơn Nhất (tuyến đường độc đạo vào sân bay) và đề nghị xây cầu vượt nối thẳng từ sân bay ra các tuyến quốc lộ… Riêng Sở GTVT TPHCM có hơn 20 dự án, công trình từ điều tiết giao thông, mở rộng đường, làm cầu vượt… để “giải cứu” giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. 

Nỗ lực này rất đáng ghi nhận nhưng ngành chức năng nên cẩn trọng khi chọn lựa các công trình, giải pháp được đề xuất, bởi lẽ dự án xây dựng sân bay Long Thành cũng đang được triển khai. Và dự kiến, khi sân bay Long Thành hoàn thành và đi vào sử dụng, các đường bay đi nước ngoài sẽ được “di dời” ra đây và sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản chỉ đóng vai trò sân bay quốc nội. Điều này có nghĩa, đến lúc đó nhu cầu giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giảm.

Tin cùng chuyên mục