Cân nhắc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an xã

Ngày 15-8, phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ và dự án Luật Công an xã.
Cân nhắc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an xã

Ngày 15-8, phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ và dự án Luật Công an xã.

Chưa nên mở rộng đối tượng cảnh vệ

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cảnh vệ, tới đây sẽ bổ sung đối tượng được cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, do đặc thù công việc của các chức danh này luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao. Tuy nhiên, qua thẩm tra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị giữ nguyên đối tượng được cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành vì việc triển khai thực hiện công tác cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đều cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này. “Mở rộng lực lượng cảnh vệ là vấn đề mới, cần đánh giá tác động và lập luận kỹ hơn. Nếu mở rộng thì biên chế, tổ chức, kinh phí, khả năng tài chính, ngân sách có bảo đảm được không, trong khi Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nêu rõ chủ trương không tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt. Về chế độ ưu đãi đặc thù, Chính phủ muốn bổ sung thêm một số chế độ, chính sách, nhưng cũng cần cân nhắc hợp lý” - Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhận định.

Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VGP

Liên quan đến các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay các trường hợp nổ súng được quy định ngay trong dự thảo luật, vì việc nổ súng của lực lượng cảnh vệ liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình quy định về các trường hợp được nổ súng trong luật và yêu cầu rà soát thực tiễn nước ta để có quy định phù hợp và phải hướng dẫn rất cụ thể.

Chính quy hóa lực lượng công an xã?

Theo tờ trình của Chính phủ, công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân. Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Vũ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban đồng ý với quan điểm này; song cũng có nhiều đề nghị quy định theo hướng chính quy hóa lực lượng công an xã để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định theo hướng chính quy hóa đối với lực lượng công an tại các thị trấn nơi chưa bố trí công an chính quy, còn đối với công an xã bố trí tại các xã thì giữ như quy định của pháp luật hiện hành và bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tỏ ra hết sức băn khoăn, vì địa vị pháp lý của công an xã quy định như trong dự thảo luật là “rất phức tạp”, liên quan tới Hiến pháp và 21 luật khác. Lực lượng này tiếp xúc trực tiếp với dân, tham gia vào công tác điều tra ban đầu, tham gia một số hoạt động tố tụng, tham gia kiểm soát giao thông; được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ… “Trong khi đó, trình độ đầu vào lại khá thấp; khó đảm bảo chất lượng; chế độ, chính sách đãi ngộ còn bất cập, không đủ thu hút cán bộ có năng lực” - bà Lê Thị Nga nhận xét. Theo người đứng đầu Ủy ban Tư pháp, dự thảo luật cần định hướng chính quy hóa lực lượng công an xã, tạo điều kiện cho lực lượng này hoàn thành được nhiệm vụ, đồng thời hạn chế thấp nhất sai phạm, đặc biệt là những sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với quy định tại dự thảo, công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, để tránh làm phình to bộ máy. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành giao Bộ Công an quản lý nhà nước đối với lực lượng công an xã và yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra cân nhắc một số nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng này cho phù hợp với năng lực và tình hình thực tiễn ở các địa phương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: “Về nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng công an xã, dự thảo luật có tới 15 nội dung giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn là quá nhiều; cần rà soát để cụ thể hóa ngay trong luật. Công an xã cần có nơi làm việc riêng, nhưng chưa cần thiết phải có trụ sở riêng. Chế độ chính sách cho công an xã cần được nghiên cứu phù hợp điều kiện kinh tế xã hội, đặc thù địa phương, nhưng cũng phải hài hòa với mặt bằng đãi ngộ chung của cán bộ cơ sở”.

“Việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn hiện nay chủ yếu do lực lượng công an xã đảm nhiệm. Đây là địa bàn rộng lớn, chiếm 80% diện tích cả nước và là địa bàn tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, đặc biệt là tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến hết năm 2015, trên toàn quốc đã xảy ra 247.359 vụ phạm pháp hình sự; trong đó, ở địa bàn nông thôn xảy ra 131.734 vụ phạm pháp hình sự, trung bình mỗi năm xảy ra 26.346 vụ, chiếm 53,25% tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc”.

(Trích Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công an xã)

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục