Cần sản phẩm du lịch chạm tới trái tim du khách

Chiều 4-4, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “TPHCM kết nối du lịch vùng” do Báo Tuổi trẻ tổ chức. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, chuyên gia trong nước và quốc tế…
Cần sản phẩm du lịch chạm tới trái tim du khách
Một số đại biểu tham dự tại hội thảo nhấn mạnh, nhiều quốc gia trên thế giới, 70% doanh thu của ngành du lịch đến từ các hoạt động, dịch vụ về đêm. Tuy nhiên, TPHCM lại chưa có nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm như vậy, dù rằng mục tiêu đặt ra năm 2018 này TP đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây được xem như khoảng trống, lãng phí tiềm năng du lịch.
Vấn đề đặt ra là TPHCM nên sớm xem xét, đầu tư các dịch vụ về đêm để hút khách, trở thành đầu mối kết nối, kéo khách lưu trú lâu hơn; tạo ra các sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách như khôi phục làng nghề truyền thống, mở rộng tuyến buýt đường sông kết nối với các tỉnh… 
Tại hội thảo, Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định TPHCM là đô thị phát triển với nhiều kiến trúc cổ xen lẫn hiện đại. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, vào mùa thấp điểm du khách quốc tế lưu trú trung bình ở TPHCM khoảng 5 ngày, trong khi khách lưu trú trung bình ở Việt Nam khoảng 3 ngày. Các giải pháp đặt ra để phát triển du lịch TPHCM, từ đó thúc đẩy kết nối du lịch vùng bao gồm làm ngay, làm tốt hơn nữa các sản phẩm hiện có (khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, tuyến buýt đường sông, làng nghề bánh tráng…); đồng thời tập trung cho việc quảng bá, xúc tiến về du lịch, quan tâm đến tính đặc trưng, bổ trợ cho nhau; tránh quảng bá lặp lại. 
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp cũng cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngành du lịch rất cần các sản phẩm chạm tới trái tim du khách.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Signature chia sẻ, đơn vị ông thường xuyên đón nhiều lượt khách siêu sang đến Việt Nam tham quan, nghỉ dưỡng. Để khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam nhiều lần, thì việc đầu tiên chính là sản phẩm, cung cách phục vụ phải chạm vào được trái tim du khách, quan tâm khai thác ẩm thực đường phố, đưa khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch mới lạ, không lặp lại...
Khách cao cấp đến Việt Nam không chỉ nghỉ dưỡng, ăn uống ở nơi “sang chảnh”, mà họ cũng rất muốn trải nghiệm ẩm thực đường phố. Nếu so sánh với cách làm du lịch của Campuchia, Thái Lan, Malaysia… chúng ta cần học họ rất nhiều. Các sản phẩm du lịch, quà tặng của họ dù rất nhỏ nhưng cũng được chăm chút kỹ lưỡng, rất đẹp, chẳng hạn như lọ dầu thơm, đường thốt nốt… 
Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan chức năng liên quan về việc phát triển du lịch TPHCM nói riêng, kết nối du lịch vùng nói chung, từ đó phát huy thế mạnh về du lịch sẵn có của từng địa phương, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với TPHCM và các tỉnh thành.
Đồng chí Lê Thanh Liêm lưu ý doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu, nguyện vọng của đối tác; đẩy mạnh công tác quảng bá, kết nối, xúc tiến du lịch với các địa phương cũng như các nước trên thế giới…
Ngành du lịch cần chủ động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kịp thời xử lý các sự cố về vấn đề du lịch (cướp giật, móc túi…), để bảo vệ du khách, bảo vệ hình ảnh của TP. 

Tin cùng chuyên mục