Cần sớm công bố phương án thi và đề thi tham khảo THPT Quốc gia 2019

Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên,  Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Để thí sinh dự kỳ thi 2019 yên tâm, Bộ GD-ĐT nên sớm công bố phương án thi cũng như đề thi minh họa
Để thí sinh dự kỳ thi 2019 yên tâm, Bộ GD-ĐT nên sớm công bố phương án thi cũng như đề thi minh họa

Thi 2019 chủ yếu để xét tốt nghiệp?

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định 2 mục tiêu đồng thời cho kỳ thi THPT quốc gia gồm xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh ĐH-CĐ là không dễ khi xây dựng đề thi; mặt khác từ yêu cầu này, dẫn tới cấu trúc đề thi được thiết kế với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, đã tạo áp lực đối với thí sinh chỉ có một mục tiêu thi xét tốt nghiệp THPT mà không có nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ khó có thể đạt điểm thi THPT cao. Đồng thời, áp lực “2 trong 1”  cũng là căn nguyên dẫn đến sự cố gian lận điểm thi rúng động trong kỳ thi năm 2018, vì mục tiêu “xét tuyển đại học”.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đề thi THPT quốc gia 2018 chưa đạt được mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT, vì thế kỳ thi năm 2019 Bộ GD-ĐT sẽ chỉnh sửa. "Thi THPT quốc gia không thể hiểu thuần túy là kỳ thi 2 trong 1 để ép học sinh thi lấy kết quả xét tuyển đại học. Tới đây, chúng tôi sẽ điều chỉnh đề thi về mặt kỹ thuật theo hướng bám sát mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay. Theo đó, với mục tiêu xét tốt nghiệp là chính, đề thi năm 2019 sẽ có kiến thức chủ yếu ở lớp 12. 

Hiện Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị các khâu để xây dựng tiếp ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ kỳ thi này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết thêm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT nhiều năm qua luôn trên 90% một phần có lý do phương thức xét tuyển sử dụng cả điểm học bạ lớp 12, nhiều học sinh coi đây là "phao cứu sinh" (nhiều thí sinh dù điểm thi thấp nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp do điểm học bạ cao).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, từng bước Bộ GD-ĐT tiến tới chỉ đánh giá quá trình thông qua điểm học bạ ở một mức độ nhất định, đưa ý nghĩa kỳ thi THPT quốc gia về thực chất hơn. Để kỳ thi 2019 khách quan, nghiêm túc, không xảy ra sự cố gian lận như năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay dự kiến năm 2019 sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, dự kiến sau khi thi, Bộ sẽ quét ngay bài làm của thí sinh và chấm thi theo cụm. Thậm chí môn tự luận cũng có thể chấm chéo để khách quan hơn.

Sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quan điểm kỳ thi 2019 bám sát mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT, dư luận đã có nhiều ý kiến hoài nghi rằng bộ GD-ĐT có thay đổi “sốc” với kỳ thi 2019. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu kỳ thi THPT quốc gia 2019 không phục vụ mục đích " 2 trong 1" mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông thì sẽ là một thay đổi lớn. Bởi mấy năm qua, kỳ thi THPT quốc gia được coi là kỳ thi “2 trong 1” với 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và  xét tuyển ĐH-CĐ. Đề thi được thiết kế để đáp ứng 2 mục đích này của thi với độ phân hóa cao, nay nếu chỉ chủ yếu là mục tiêu xét tốt nghiệp thì đề thi sẽ không còn sự phân hóa tốt, tức là cơ sở để các trường xét tuyển sẽ không còn đáng tin cậy?

Mục đích của kỳ thi không đổi

Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định mục đích của kỳ thi vẫn không đổi.  Ông Trinh cho rằng, từ trước tới nay, xã hội quen sử dụng cách nói kỳ thi “2 trong 1” là cách nói nôm na nhưng lại không đúng với bản chất của kỳ thi. Kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng dựa trên cơ sở Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Cụ thể, Nghị quyết 29 quy định đổi mới hình thức thi xét tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng đảm bảo độ trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh đại học và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. “Luật Giáo dục quy định rõ các em học sinh sau 12 năm học phải dự một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT; còn các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh. Bộ GD-ĐT không đứng ra tổ chức kỳ thi đại học, vì đó là phạm luật. Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với kết quả khách quan nhất, còn các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển hay không là  hoàn toàn lựa chọn  của các trường”, ông Mai Văn Trinh giải thích.

TS Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, trước mắt vẫn phải duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng điều chỉnh thế nào thì Bộ GD-ĐT cần tính toán, mục tiêu là bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh.  Kể cả đề thi có điều chỉnh để bám sát mục tiêu tốt nghiệp thì nếu đạt yêu cầu nghiêm túc, khách quan, các trường đại học vẫn sẽ lấy đó làm căn cứ để xét tuyển.

GS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên,  Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, nên giữ kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay, thi tại địa phương và có sự tham gia của các trường đại học; đề thi trong chương trình lớp 12, bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp THPT nhưng cũng phải có sự phân hóa để tạo điều kiện cho việc tuyển sinh của các trường đại học. “Việc chấm thi nên có sự quản lý của Bộ GD-ĐT, tổ chức các cụm chấm thi cho một số tỉnh và huy động giáo viên chấm thi ở các trường đại học và ở các địa phương”, GS Tâm Đan nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), thầy Nguyễn Xuân Khang cũng nêu ý kiến, kỳ thi THPT quốc gia hiện nay chủ yếu để xét tốt nghiệp THPT, các trường đại học có thể căn cứ vào đó để tuyển sinh. “Tuy còn một số vấn đề cần điều chỉnh nhưng kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản đáp ứng được 2 mục tiêu đó, nên duy trì kỳ thi thêm 3-5 năm nữa đến khi chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được triển khai đại trà.  Trong quá trình thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới thì chúng ta chuẩn bị cho một phương thức mới hợp lý hơn”, thầy Khang nêu ý kiến.

Rõ ràng, để xã hội, nhất là học sinh yên tâm, Bộ GD-ĐT cần sớm công bố phương án thi THPT Quốc gia 2019, nhất là những điều chỉnh, bổ sung mới. Đặc biệt, cần sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên yên tâm tổ chức hoạt động dạy học và sớm hoàn thiện ngân hàng đề thi.

Tin cùng chuyên mục