Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để TPHCM thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

Ngày 14-12, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo quốc tế “Quy định pháp luật đặc thù về phát triển TPHCM và kinh nghiệm nước ngoài”, nhằm trao đổi khoa học các vấn đề liên quan đến triển khai nhanh chóng, hiệu quả Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. 

Các chuyên gia trong và ngoài nước đã đóng góp những vấn đề pháp lý và thực tiễn, góp phần phát huy tối đa các nguồn lực của TPHCM.

PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Luật TPHCM phân tích, xét về cơ chế, Nghị quyết 54 có 3 “cú hích” cho TPHCM: tăng quyền tự chủ ở các lĩnh vực khác nhau từ quy hoạch đất đai đến quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, bộ máy cán bộ; dỡ bỏ một số ràng buộc về cơ chế để tạo động lực để phát triển, TPHCM sẽ không cần phải loay hoay “xé rào”; tạo sức bật và động lực từ những thí điểm cơ chế.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành trong 5 năm. Sau 5 năm thí điểm, nếu kết quả khả quan, hiệu quả tác động của Nghị quyết 54 có tác dụng thúc đẩy tốc độ phát triển của TPHCM, Quốc hội có thể xem xét, quyết định để ban hành Luật riêng cho TPHCM (tương tự như Luật Thủ đô cho Hà Nội); ở chiều ngược lại, nếu kết quả không cao, hiệu quả tác động thấp, thì Quốc hội có thể xem xét, quyết định dừng việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM.

Như vậy, vấn đề quan trọng hiện nay đối với TP là triển khai một cách nhanh chóng, có hiệu quả, tận dụng cơ chế và ưu thế mà Nghị quyết 54 đã trao cho TP vào các lĩnh vực của cuộc sống.

Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để TPHCM thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 1 PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ về kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 54, ông Mai Hữu Quyết, Trưởng Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND TPHCM cho hay, đến nay đã có một số kết quả bước đầu tích cực. Tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10ha được đẩy nhanh hơn khá nhiều. Chính sách thu nhập tăng thêm đã khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức… Tuy nhiên, một số cơ chế chính sách, đặc thù về tài chính, ngân sách như các nguồn thu từ cổ phần hóa, thưởng vượt thu… chưa được thực hiện nên chưa có nguồn vốn đầu tư đồng bộ cho các công trình hạ tầng trên địa bàn TPHCM, chưa thật sự tạo động lực mới giúp TPHCM phát triển.

Trước kết quả bước đầu này, các đại biểu tham dự hội thảo bày tỏ sự "xót ruột" về việc thực hiện Nghị quyết 54 tại TPHCM. Đồng thời, chia sẻ với TPHCM về các khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 54.

PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM đề nghị, trong tình hình hiện nay, TPHCM cần tận dụng thời gian, tiến hành khẩn trương nghiên cứu và thực hiện mạnh bạo hơn, tận dụng tối đa biên độ “cởi trói” mà Nghị quyết 54 cho phép.

Về cơ chế phân cấp, ủy quyền theo Nghị quyết 54, PGS-TS Vũ Văn Nhiêm cho rằng, bản chất lợi ích – ưu đãi mà TPHCM được hưởng không khác nhiều so với việc phân cấp, ủy quyền thực hiện theo luật chung - Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

PGS-TS Vũ Văn Nhiêm nhận xét, TPHCM vẫn chưa mạnh dạn thực hiện việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho các sở - ngành và UBND quận, huyện theo quy định của Điều 43 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, mà mới chỉ dừng lại ở việc ủy quyền. Điều đó có nghĩa là TPHCM chưa tận dụng tối đa hết cơ chế mà pháp luật chung (Luật Tổ chức chính quyền địa phương) đã “mở đường”, chưa nói đến việc tận dụng tối đa cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54.

Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để TPHCM thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 2 Quang cảnh hội thảo quy định pháp luật đặc thù về phát triển TPHCM và kinh nghiệm nước ngoài

Theo GS-TS Phạm Hồng Thái, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, trên thực tế, việc ủy quyền thường được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể, nhưng trong quản lý lại xuất hiện nhiều tình huống. Nếu cấp trên ủy quyền cho cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trên một cách thường xuyên để giải quyết một loại công việc nào đó, thì lại bước sang lĩnh vực “phân cấp”, “phân quyền” trong quản lý; mà, phân cấp phải được tiến hành bằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhưng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Chủ tịch UBND không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là nghịch lý trong pháp luật Việt Nam.

Do vậy, thực tiễn sẽ rất phức tạp khi Chủ tịch UBND TPHCM và Chủ tịch UBND quận, huyện muốn “ủy quyền” cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình một cách ổn định, lâu dài; còn ủy quyền theo vụ việc cụ thể cũng dễ dẫn đến nhiều tình huống không đơn giản.

GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để thực hiện Nghị quyết 54 hiệu quả, nhiệm vụ hàng đầu là phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bởi, để thực hiện Nghị quyết 54 thì không chỉ căn cứ vào cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong Nghị quyết này, mà còn phải tuân thủ các văn bản pháp luật khác, nhất là các đạo luật và Nghị định có liên quan trực tiếp như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch… Trong khi đó, các đạo luật và các Nghị định liên quan đang có sự mâu thuẫn, xung đột, vô hiệu hóa lẫn nhau, ảnh hưởng và cản trở việc thực hiện Nghị quyết 54.

GS-TS Trần Ngọc Đường đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và khắc phục những mâu thuẫn, xung đột, vô hiệu hóa lẫn nhau giữa các đạo luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho TPHCM thực hiện Nghị quyết 54.

Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để TPHCM thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 3 Đông đảo chuyên gia, đại biểu trong và ngoài nước tham dự

PGS-TS Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TPHCM đề nghị, cần có quy định cho phép TPHCM chủ động trong việc xây dựng dự toán chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và cơ sở hạ tầng nói riêng.

Cụ thể, hàng năm, khi xây dựng dự toán chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản, TPHCM được quyền chủ động trong việc quyết định các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản mà không nhất thiết phải tuân thủ văn bản hướng dẫn hàng năm của Bộ Tài chính. Quy định này là cần thiết, bởi vì, cơ sở hạ tầng đóng vai trò vô cùng quan trọng với việc phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.

Tin cùng chuyên mục