Cẩn thận với “giấy phép con” trong lĩnh vực cạnh tranh

Dự thảo đã được sửa đổi theo hướng: Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh để xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. 
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo xây dựng Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì tổ chức sáng 20-4, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp trước, dự thảo lần này đã được bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, trong đó có quy định về cơ quan cạnh tranh. Theo dự thảo mới, cơ quan cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh để xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VII quy định người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các ủy viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập, theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật.

Đây cũng chính là vấn đề được các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi. Nhiều ý kiến cho rằng với quy định như vậy, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vẫn khó có tính độc lập, chưa kể ủy ban vừa quản lý về cạnh tranh lại vừa tiến hành tố tụng cạnh tranh là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội thẳng thắn: “Chúng tôi phản đối quy định doanh nghiệp phải nộp hồ sơ thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế cũng như phải xin phép được miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Đây là các hình thức “giấy phép con” trá hình, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, nếu có, là việc của cơ quan quản lý. Chúng ta mất bao nhiêu công sức để rà soát và “chặt” bớt giấy phép con, nay dự thảo lại làm ngược lại”.

Trong khi đó, theo ý kiến này, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia lẽ ra phải có thêm một số “vũ khí sắc bén” khác. Đó là chức năng kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xử phạt sai phạm và đề nghị các quan điều tra, tố tụng khởi tố những vi phạm nghiêm trọng (thay vì cấp phép và tự mình tiến hành tố tụng cạnh tranh). Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm cũng được ông Nguyễn Quốc Tuấn coi là không đủ sức răn đe, “sẽ có doanh nghiệp vui vẻ… nộp phạt rồi tiếp tục vi phạm”.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định sẽ không có tình trạng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lạm quyền cũng như tạo ra giấy phép con, bởi mọi quyết định của cơ quan này đều có thể bị kiện ra tòa.

“Tuy nhiên, đúng là còn nhiều tiêu chí về tập trung kinh tế cần được cụ thể hóa hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp thu và chỉnh lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiến hành tập trung kinh tế”, ông Trần Quốc Khánh phát biểu.

Theo chương trình lập pháp của Quốc hội, dự án này sẽ được hoàn thiện, trình ra Quốc hội vào tháng 5 tới.

Tin cùng chuyên mục