Cần thay đổi cách nhìn về giáo dục tư thục

Hiện nay đôi cánh công lập chiếm đến 84% còn đôi cánh tư thục chỉ có 16%. Để tạo sự cân bằng cho đôi cánh của giáo dục trong 10 - 20 năm tới cần phải có cái nhìn và quyết sách phù hợp đối với giáo dục tư thục.

Từ năm 1986 đến nay, giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu trong các nghị quyết của Đảng. Trong đó, giáo dục công lập và tư thục được xem như đôi cánh của giáo dục nói chung. Tuy nhiên, hiện nay đôi cánh công lập chiếm đến 84% còn đôi cánh tư thục chỉ có 16%. Để tạo sự cân bằng cho đôi cánh của giáo dục trong 10 - 20 năm tới cần phải có cái nhìn và quyết sách phù hợp đối với giáo dục tư thục.

Đây là nội dung chính của buổi tọa đàm Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam trong thời gian tới do Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức chiều 6-5 tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Đầu tư dàn trải

PGS-TS Thái Bá Cần, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng: Nước ta dành đến 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục, một con số không nhỏ, nhưng do số lượng học sinh quá lớn nên mức đầu tư trên mỗi học sinh, sinh viên quá thấp. Năm 2017, tổng mức đầu tư cho giáo dục là hơn 248.000 tỷ đồng cho 23,5 triệu học sinh, sinh viên nên bình quân chỉ có hơn 10 triệu đồng/em/năm. Đây chính là sự đầu tư dàn trải. Mặt khác, nước ta có tỷ lệ học sinh, sinh viên ngoài công lập quá thấp và kèm theo đó định kiến làm giáo dục ngoài công lập là kinh doanh giáo dục, là tiếng xấu mà những nhà đầu tư rất ngại. Do đó, các quy định và các chính sách phát triển giáo dục nên cập nhật đủ các mô hình trường lớp, hình thức hoạt động giáo dục. Từ đó, cấp quản lý sẽ có những chính sách để thúc đẩy giáo dục tư thục phát triển.

TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, cho biết: Hiện nay có một xu hướng rất mới là thế giới hình thành văn hóa số đã chi phối lớn đến mọi sự kiện. Trong bối cảnh đó, Việt Nam trong 10 năm tới chắc chắn bị chi phối và phải chủ động nếu không muốn bị động. Vấn đề toàn cầu hóa không chỉ đơn thuần là học sinh đi ra nước ngoài học và ngược lại mà đó là sự dịch chuyển lao động toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển học tập toàn cầu. Trong 5 năm qua, lượng trường phổ thông trực tuyến ra đời ở Mỹ tăng đáng kể, cả ngàn trường. Bên cạnh những trường tốt nhất còn có bảng xếp hạng những trường học online tốt nhất. Đối tượng học sinh rất lớn vậy liệu đến năm 2020 chúng ta có thể đưa trường học trực tuyến vào luật không?

Thực tế hiện nay giáo dục dư thừa, tiến sĩ ra trường không biết làm gì, thế giới đã vậy và Việt Nam cũng có chuyện tương tự. Điều này cho thấy, chương trình đào tạo từ đại học trở lên có vấn đề, không đáp ứng được nhu cầu lao động của xã hội. Bên cạnh đó, đại học Việt Nam chưa dịch chuyển kịp với thế giới trong đó có chuẩn hóa về kiểm định, chương trình và giảng viên, sắp tới còn đánh giá và xếp hạng…

Phải cạnh tranh bằng chất lượng

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, chia sẻ: “Trải qua 15 năm làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ và mới về trường tư; từ trường công qua trường tư, tôi như đi qua một thế giới khác. Hiện nay nhiều trường tư thục đã đủ tạo ra một thị trường cạnh tranh, tạo cho sinh viên cơ hội lựa chọn học tập tùy theo năng lực mỗi người. Bây giờ đâu ai khẳng định chất lượng trường công sẽ cao hơn trường tư! Trường công do Nhà nước đầu tư, cũng không cần thay đổi để làm rối ren. Trường công còn gò bó, trường tư được tự chủ học phí. Như vậy, tôi càng thấy lo cho trường công vì bị giới hạn kinh phí được cấp thành ra chi phí đào tạo thấp”.

PGS-TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, đồng tình: “Thế giới có 3 loại hình trường. Trường dẫn dắt là những trường hàng đầu thế giới; trường tạo sức “kéo” là trường biết xu hướng phát triển như thế nào để phát triển theo hướng đó; trường kế đến là “đẩy” nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Ở Việt Nam còn có thêm loại thứ 4 là làm rối ren thêm tình hình phát triển: trường kém chất lượng, xảy ra chuyện này chuyện kia…”.

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng giáo dục Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi xu thế toàn cầu hóa, công nghệ số. ĐH bây giờ không còn là đại học tinh hoa nữa mà là ĐH của đại chúng. Do đó, trường công lập đã hết sức cố gắng nhưng để cung cấp một nguồn nhân lực lớn như hiện nay là không thể và cần phải giao nhiệm vụ này cho trường tư. Cơ hội này là phải đầu tư, nhà đầu tư hết sức vất vả và khó khăn, phải tự thân mọi thứ.

“Vì vậy, tôi cần nói sự công bằng trên yếu tố chất lượng và chỉ có con đường này mới phân định rành ròi được trường mạnh, trường yếu. Mô hình tam giác có 3 đỉnh (Đại học - Công nghiệp - Chính phủ), 3 cái này phải hài hòa sẽ giúp cho đại học phát triển. Nhưng hiện nay trường tư chỉ thiếu ở đỉnh Chính phủ (các chính sách). Nếu có được đỉnh thứ 3 thì trường tư không ngại gì nữa vì mỗi bên có một hướng phát triển riêng. Tôi tin tương lai ĐH tư thục phát triển mạnh mẽ vì được tự chủ”.

GS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen: “Thay đổi quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức. Hiện nay, độ tin tưởng của xã hội với giáo dục tư thục chưa cao vì: một phần do cách thực hiện các chính sách và lỗi một phần do suốt thời gian dài trường tư chưa ổn. Lỗi của giáo dục tư thục thì phải nhìn nhận và phải tự thay đổi nội tại. Sau khi có sự thay đổi về nhận thức là cần phải có chính sách và phải làm đồng bộ. Các chủ trương đều rất tốt nhưng thực hiện lại chưa đạt như mục tiêu đề ra”.

Tin cùng chuyên mục