Cần thêm thời gian để chuẩn bị triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã họp báo về việc lùi thời điểm triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (gọi tắt là đề án) đến ngày 16-12, thay vì ngày 10-12 như kế hoạch. PV Báo SGGP đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM kiêm Phó Trưởng ban Quản lý đề án để làm rõ vấn đề này.
Cần thêm thời gian để chuẩn bị triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa:

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã họp báo về việc lùi thời điểm triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (gọi tắt là đề án) đến ngày 16-12, thay vì ngày 10-12 như kế hoạch. PV Báo SGGP đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM kiêm Phó Trưởng ban Quản lý đề án để làm rõ vấn đề này.

Mổ heo VietGAP tại Công ty Vissan Ảnh: CAO THĂNG

 Phóng viên: Thưa ông, vì sao TPHCM phải lùi thời điểm triển khai đề án?

 Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn TPHCM là tiền đề hướng tới việc tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc hàng hóa; đồng thời thực hiện xây dựng Dự án Mô hình Chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm của TPHCM giai đoạn 2016-2020 tại TPHCM. Với mục đích và ý nghĩa nêu trên, đề án đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, lãnh đạo thành phố cũng mong muốn phải đưa đề án vào hoạt động sớm nhằm quản lý tốt hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng thịt vì Tết Nguyên đán 2017 đã rất cận kề.

Theo kế hoạch, ngày 5-12, đề án được triển khai thử nghiệm tại một số doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn như Công ty Vissan và đến ngày 10-12 thực hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, gần đến ngày triển khai đã phát sinh khá nhiều vấn đề cần phải xử lý, trong đó chủ yếu là về kỹ thuật. Như chúng ta cũng biết, việc triển khai đề án được sử dụng bằng công nghệ thông tin nên tất cả các chủ thể tham gia, đặc biệt là bộ phận thú y đều phải trang bị các thiết bị chuyên dụng. Do phải đặt mua từ nước ngoài, cần thời gian vận chuyển rồi cài đặt phần mềm, cũng như thử nghiệm nhuần nhuyễn các thao tác trước khi triển khai đồng loạt…, nên đề án đã không thực hiện đúng như tiến độ đề ra. Còn yếu tố chủ quan, đó là tâm lý chung của các bên tham gia vẫn chưa sẵn sàng. Ngay như Ban quản lý cũng muốn kéo dài thời gian để có thêm các kênh phân phối hiện đại cùng tham gia… 

 Phải chăng giải pháp đưa ra để thực hiện chưa phù hợp với thực tiễn?

 Như tôi đã nói, đây là đề án quản lý bằng công nghệ thông tin nhưng lại liên quan đến rất nhiều chủ thể, từ người chăn nuôi (trang trại) đến lò giết mổ, thú ý, DN kinh doanh, thương nhân, tiểu thương và người tiêu dùng…, nên khá phức tạp. Đó là chưa kể trình độ sử dụng, sự am hiểu về công nghệ, máy móc của các chủ thể tham gia đề án là không đồng đều, nên cần phải có thời gian để xây dựng các giải pháp theo hướng tối ưu nhất, ít phải thao tác nhất nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác cao. Vì lẽ trên, chúng tôi buộc phải lùi lại 6 ngày để chỉnh sửa lại phần mềm cho phù hợp. Nói như vậy không có nghĩa đến ngày 16-12 chúng tôi mới triển khai, mà ngay từ ngày 14-12 tới, Ban quản lý sẽ tổng duyệt và chạy thử nghiệm đề án tại Công ty Vissan để từ đó chinh sửa kịp thời những khâu còn vướng mắc.

 Bên cạnh việc lùi thời điểm thực hiện thì cách thức triển khai cũng có thay đổi. Ông có thể nói rõ hơn?

 Đúng như vậy. Trong buổi công bố đề án vào ngày 26-10 vừa qua, chúng tôi lên kế hoạch sẽ triển khai trên diện rộng, tức là từ trang trại, lò giết mổ, đến chợ đầu mối, các hệ thống phân phối hiện đại và 4 chợ bán lẻ. Nhưng càng đi sâu vào thực tế, chúng tôi thấy rất khó để có thể làm tốt và làm có hiệu quả nếu chưa có kinh nghiệm. Do vậy, Ban quản lý quyết định sẽ chọn kênh phân phối hiện đại để triển khai trước rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khi đề án chạy trơn tru, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tại các chợ đầu mối, nơi tập trung tới 80% lượng thịt heo cung ứng cho thị trường TPHCM.

Tôi cho rằng, nếu tất cả các con heo đưa vào chợ đầu mối đều được đeo vòng nhận diện và vòng niêm phong, chắc chắn chúng ta sẽ kiểm soát được nguồn gốc thịt heo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc triển khai tại các chợ lẻ cũng đơn giản hơn.

 Hiện có bao nhiêu hệ thống phân phối hiện đại đã đăng ký tham gia đề án?

 Tính đến ngày 9-12, đã có 346 cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia, bao gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm. Cụ thể, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) có 141 (33 siêu thị Co.opMart, Co.opXtra và 108 cửa hàng Co.opFood); Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) có 93 cơ sở là 2 siêu thị SatraMart và 91 cửa hàng Satra Food; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn 5 cơ sở; Hệ thống siêu thị Big C có 21 cơ sở; Siêu thị Auchan: 2 cơ sở; Lotte Mart Việt Nam: 4 cơ sở; Công ty TNHH Đông Hưng: 17 cơ sở; Công ty TNHH Aeon Việt Nam: 2 cơ sở; Công ty Vissan: 47 cơ sở; Siêu thị Queenland: 4 cơ sở; Cửa hàng CP: 2 cơ sở và Công ty Vĩnh Thái Cocomart: 8 cơ sở.

Hiện chỉ còn 2 hệ thống chưa tham gia là Metro và VinMart, Ban quản lý sẽ làm việc với các đơn vị này để có thể xem xét và tích hợp vào đề án.

Nếu tính chung, hiện các hệ thống bán lẻ hiện đại đang phân phối khoảng 20% sản lượng thịt heo tiêu thụ toàn thành phố; 80% còn lại là từ các chợ bán lẻ.

 Với các trang trại và cơ sở giết mổ thì sao, thưa sao?

 Đến nay, đề án đã nhận được sự tham gia tích cực của 60 cơ sở chăn nuôi, với khoảng 1.000 trang trại, có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ cho thị trường TPHCM, trong đó có nhiều đơn vị có thương hiệu và quy mô lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín, như: Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty CP Nông nghiệp Velmar, Công ty TNHH TM - SX Trại Việt, Công ty CP Anova Farm... có các trang trại chăn nuôi, chủ yếu tại các tỉnh lân cận TP, như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An...Về giết mổ, đã có 18 cơ sở giết mổ cơ sở giết mổ tham gia, trong đó có 5/12 cơ sở giết mổ tại TPHCM công suất 5.000-6.000 con/ngày, chiếm 70%-75% nhu cầu.

 Tại  sao số lượng các cơ sở giết mổ của TPHCM lại tham gia ít như vậy, thưa ông?

 Theo quy hoạch, đến năm 2017, TPHCM chỉ còn có 6 cơ sở giết mổ, số còn lại sẽ bị ngưng hoạt động. Đáng lưu ý, trong số 5 cơ sở giết mổ đã tham gia thì đều nằm tromg các lò đã được quy hoạch để tiếp tục hoạt động. Các lò giết mổ khác không tham gia vào đề án vì trước sau gì họ cũng phải ngưng hoạt động.

 Ông có thể tiên lượng, ban quản lý đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm khối lượng công việc để có thể đưa đề án vào triển khai? Có cam kết nào đối với việc đảm bảo các giải pháp kỹ thuật và thời gian triển khai tới đây?

 Công tác tập huấn đã xong từ ngày 7-12. Theo đó, giao diện của đề án về cơ bản đã hoàn thành. Đường dây nóng đã đi vào hoạt động. Hiện chúng tôi đang chờ máy móc, thiết bị để cài đặt phần mềm và tập dượt trước các thao tác để bắt tay vào việc triển khai đồng bộ.

Về kỹ thuật, phần mềm này cũng đã được áp dụng tại các nước tiên tiến nhưng khi về Việt Nam, bên tư vấn phải xây dựng và thiết kế lại cho phù hợp hơn với thực tiễn. Tôi hy vọng, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp vào ngày 16-12 tới đây.

Theo tôi, đây là một đề án không dễ, nhưng nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý từ TPHCM đến các tỉnh, thành, cũng như sự đồng lòng của các cơ quan truyền thông và người tiêu dùng, chắc chắn đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo đạt hiệu quả như mong muốn.

 Xin cảm ơn ông!

 THÚY HẢI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục