Canada bị gạt ra bên lề NAFTA 3 bên

Ngày 27-8, Mỹ và Mexico, đạt được thỏa thuận về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico khiến Canada quan ngại về nguy cơ nước này sẽ bị đẩy vào thế cô lập ngay tại chính sân nhà và buộc phải có chiến lược mới. 
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) và Bộ Trưởng Kinh Tế Mexico Ildefonso Guajardo gặp nhau nhiều lần để đàm phán mà không có đại diện Canada
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) và Bộ Trưởng Kinh Tế Mexico Ildefonso Guajardo gặp nhau nhiều lần để đàm phán mà không có đại diện Canada

Sức ép của Mỹ 

Trong một thông cáo báo chí, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ và Mexico vừa chính thức đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ với thời hạn 16 năm và sẽ được rà soát lại 6 năm một lần. Trong trường hợp, sau các lần rà soát các bên không đạt được đồng thuận, hiệp định sẽ hết hạn trong vòng 16 năm.

Nhà Trắng cho rằng, thỏa thuận vừa đạt được là bước tiến quan trọng nhất trong quá trình đàm phán kéo dài một năm qua giữa Mỹ, Mexico và Canada nhằm cứu vãn NAFTA. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định thỏa thuận này mới chỉ tập trung giải quyết một trong những bất đồng lớn liên quan đến các quy định trong ngành ô tô, song chưa đề cập đến những vấn đề bất đồng khác giữa ba nước. Canada, một bên trong thỏa thuận, đã không tham gia các cuộc đàm phán được tổ chức tại Washington trong mấy tuần gần đây do căng thẳng thương mại với Mỹ. 

 Hội đồng Canada cho rằng đây là dấu hiệu khởi đầu cho việc ra đời một thỏa thuận vì “Nước Mỹ trước tiên”. Bằng việc đổi tên thỏa thuận đã 24 năm tuổi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ gạt Canada ra khỏi thỏa thuận này, hoặc biến phiên bản NAFTA mới theo hướng có lợi hơn cho Mỹ và Mexico. Mexico đã đồng ý tư nhân hóa ngành năng lượng của mình và từ bỏ ý định duy trì các quy định cũ trong Chương 11 về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.  Theo các nguồn tin địa phương, dưới sức ép của Mỹ, Mexico đã phải nhượng bộ trong việc chấp nhận loại bỏ Chương 19 về giải quyết tranh chấp thương mại; chấp nhận nâng tỷ lệ nội địa khu vực ôtô từ 62,5% hiện nay lên 75% và khoảng 40% giá trị mỗi xe phải được sản xuất tại các khu vực có mức lương từ 16 USD/giờ trở lên. Tuy nhiên, Mexico đề nghị Mỹ một lộ trình 5 năm để áp dụng các quy định trên. 

Trong khi đó, phía Canada trước đó khẳng định nước này sẽ chỉ ký một thỏa thuận NAFTA mới nếu có lợi cho Canada và cho tầng lớp trung lưu, trong khi giới phân tích cho rằng Tổng thống Donald Trump muốn sửa đổi NAFTA theo hướng có lợi hơn cho Mỹ với cáo buộc Mexico và Canada đã hành xử không công bằng, gây ra thâm hụt thương mại lớn cho Mỹ. Theo giới quan sát, việc đạt được thỏa thuận về cách sửa lại NAFTA là một chiến thắng quan trọng đối với Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại mà ông đã phát động với nhiều đối tác thế giới, gồm Mexico, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. 

Canada tìm thị trường mới 

Ngày 27-8, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tiến hành hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Cùng ngày, trước thềm chuyến thăm Thái Lan và Singapore vào ngày 28-8, Bộ trưởng Thương mại Canada Jim Carr tuyên bố Ottawa muốn đạt được thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bộ trưởng Jim Carr nêu rõ một FTA với ASEAN, bao gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Brunei và Myanmar sẽ giúp Canada tiếp cận 650 triệu người tiêu dùng. 

Chuyến đi tới Đông Nam Á của Bộ trưởng Thương mại Carr nhằm mục tiêu đẩy mạnh thương mại và đầu tư song phương với Thái Lan và Singapore, những nước cùng với Canada dự kiến sớm thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời thúc đẩy thương mại tự do với ASEAN. Ngoài ra, Canada cũng hướng tới các FTA với Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay trong  Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng như để ngỏ khả năng xúc tiến một FTA với Trung Quốc. Nếu thành công trong đàm phán với Bắc Kinh, Ottawa sẽ là nước phương Tây đầu tiên đạt được FTA với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.  

Tin cùng chuyên mục