Căng mình phòng chống cháy rừng

Hiện nay, khu vực các tỉnh Đông Nam bộ đang bước vào đợt cao điểm của mùa khô 2018 - 2019 với nắng nóng kéo dài. Cộng với thói quen canh tác, sinh sống xen cài trong rừng của người dân nên nguy cơ cháy rừng đang ở cấp độ V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Các tỉnh trong khu vực đang phải căng mình với công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) để giảm thiểu nguy cơ cháy.
Bồn chứa nước chôn sẵn trong rừng để sẵn sàng chống cháy rừng
Bồn chứa nước chôn sẵn trong rừng để sẵn sàng chống cháy rừng

Nguy cơ cháy cấp V

Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) rộng hơn 33.000ha những ngày này đang đối mặt với nguy cơ “bà hỏa” viếng thăm bất cứ lúc nào. Không khí nóng hầm hập, lá khô rụng đầy, nhiều đám cỏ khô ven đường là những mồi lửa.
Ông Vũ Anh Đức - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, chỉ với một sơ suất nhỏ, khả năng cháy rừng có thể xảy ra. Địa bàn quản lý khá rộng, trong khi thói quen sinh hoạt của người dân sống đan xen trong rừng, như vứt tàn thuốc lá, phá rừng làm nương rẫy, đốt lửa để bắt ong... Các đối tượng phá rừng làm rẫy ngày càng manh động, thực hiện hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. 
Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc với diện tích hơn 12.000ha, công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô năm nay cũng đang rất căng thẳng. Mới đây, khi chúng tôi đến, một tốp nhân viên bảo vệ rừng đang chủ động đốt những đám cỏ ven đường để tạo hành lang cản lửa, phòng khi hỏa hoạn xảy ra, tránh lây lan theo diện rộng. Một chiếc xe máy cày chở bồn nước theo sát đám cháy, một nhân viên chủ động xịt nước để hạn chế lửa cháy lan.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu rừng Chàng Riệc chia sẻ, tuyên truyền giáo dục được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ban quản lý đã phối hợp cùng ban chỉ huy phòng chống cháy rừng cấp xã, thủ trưởng các đơn vị liên quan, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, họp dân địa phương, đặc biệt là số hộ dân đang sống trong và gần rừng phổ biến các văn bản pháp luật, ý thức trách nhiệm khi sử dụng lửa ven rừng, trong rừng vào các tháng cao điểm mùa khô; tác hại của cháy rừng ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống; tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý lửa rừng cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng chống cháy rừng của ban quản lý và các chốt dân quân du kích, biên phòng đóng trên địa bàn. 
Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) với diện tích rừng và đất lâm nghiệp rất lớn (trên 100.000ha), trải dài gần 120km, tiếp giáp với nhiều địa phương, khu dân cư sinh sống nên công tác phòng chống cháy rừng cũng gặp nhiều thách thức. Tại một số khu vực xung yếu, vào mùa khô, cây mai dương (mắt mèo) khô chết tạo lớp thảm mục dày, dễ bắt lửa gây cháy khi người dân nấu nướng, đốt dọn. Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc khu bảo tồn, cho biết, mùa khô năm nay đến muộn (những năm trước cao điểm mùa khô đến vào đầu tháng 2, nhưng năm nay lại đến vào cuối tháng 2) nhưng diễn biến phức tạp và nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. 
Chôn sẵn hồ chứa nước trong rừng 
Hiện các ban quản lý rừng và các đơn vị phối hợp phòng chống cháy rừng tổ chức trực 24/24 giờ, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra việc sử dụng lửa trong rừng, gần rừng; đồng thời lực lượng kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng, dân quân tự vệ, các lực lượng khác trên địa bàn tổ chức kiểm tra, truy quét những tổ chức, cá nhân phá rừng. Khi phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng cùng tang vật, lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng, dân quân tự vệ bắt giữ người, thu giữ tang vật, bảo vệ hiện trường, báo cáo cơ quan chức năng giải quyết.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa có chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng; theo dõi tin báo cháy từ vệ tinh, xác định vị trí đám cháy để kịp thời kiểm tra, dập lửa khi xảy ra sự cố. Theo đó, các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng bố trí người trực 24/24 giờ trên các chốt canh lửa, trạm quan sát cháy ngoài thực địa để kịp thời phát hiện đám cháy, thông báo và huy động lực lượng chữa cháy kịp thời. 

Đặc biệt, để bảo vệ hơn 10.000ha rừng đang nguy cơ cháy ở mức cao ở huyện Bù Đốp, trạm kiểm lâm huyện và các đơn vị chủ rừng đã đào hố nhân tạo chôn 22 hồ nhựa chứa nước tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Mỗi hồ nhựa chứa từ 2 - 30m3 nước. Đặc biệt, trong rừng có 4 hồ xây bằng bê tông, mỗi hồ khoảng 37m3. Nước trong hồ lúc nào cũng sẵn sàng chuẩn bị cho công tác phòng chống cháy rừng 24/24 giờ. Tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, Ban quản lý Rừng phòng hộ Bù Đốp đã phân công 3 chốt, mỗi chốt có 6 - 7 người để thường xuyên tuần tra.
Ông Nguyễn Tiến Hà, Chốt trưởng Chốt tuần tra Ban bảo vệ Rừng phòng hộ huyện Bù Đốp, cho biết, bước vào mùa khô, đơn vị tổ chức phát các đường băng cản lửa và bố trí người trực 24/24 giờ, nhất là thời điểm buổi trưa nắng, để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố cháy rừng xảy ra. 

Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai cũng triển khai theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm của mùa khô, đơn vị tăng cường thêm lực lượng tuần tra lưu động tại các trạm kiểm lâm. Khu bảo tồn hiện có 6 chòi canh lửa cố định phục vụ công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm nay. Việc trực gác tại 55 điểm gác phòng chống cháy rừng luôn được thực hiện nghiêm túc, duy trì 24/24 giờ.

Tin cùng chuyên mục