Cảnh báo về “vùng lõm tiêm chủng”

Tiêm chủng dịch vụ đang dần trở thành xu hướng của các bậc phụ huynh tại TPHCM. Thế nhưng, chính việc chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ sởi lại khiến nhiều trẻ em rơi vào “vùng lõm tiêm chủng” do không được chích ngừa đầy đủ, đúng lịch. Điều này đe dọa tính mạng của các bé và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Phụ huynh đưa trẻ đi chích ngừa sởi tại một cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phụ huynh đưa trẻ đi chích ngừa sởi tại một cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
 Tư vấn tiêm chủng không đồng nhất

Chị Đào Thị Ánh Lan (ngụ quận Tân Phú) có con đã 9 tháng tuổi, nhưng khi đến hỏi tại một cơ sở tiêm dịch vụ thì được tư vấn có thể tiêm mũi sởi - quai bị - rubella lúc 12 tháng tuổi để phòng cùng lúc 3 bệnh cho em bé. Vì vậy chị quyết định chờ đợi thêm 3 tháng mà không tiêm sởi ngay cho con. Không lâu sau đó, bé đã mắc sởi và biến chứng viêm phổi, hiện được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau khi nghe các bác sĩ tại Khoa Nhiễm - Thần kinh giải thích, chị mệt mỏi nói: “Biết thế này thì em đã cho con đi tiêm ở trạm y tế”. 

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong năm 2018, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi là 95,6%, đạt yêu cầu so với chỉ tiêu đề ra là 95%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine sởi mũi 2 mới chỉ đạt 76,2% so với chỉ tiêu đề ra là trên 90%. Phải thừa nhận một điều, tiêm chủng dịch vụ sởi đã đóng góp phần không nhỏ trong việc bao phủ vaccine sởi cho trẻ em. Tuy nhiên, việc tiêm chủng dịch vụ vẫn còn khá nhiều bất cập, cần được khắc phục mới có thể đồng hành cùng Chương trình tiêm chủng mở rộng để  bảo vệ cộng đồng trước những bệnh truyền nhiễm có vaccine. 

Vẫn theo bác sĩ Dũng, nhiều trường hợp trẻ không được tiêm ngừa sởi đúng lịch vì sự tư vấn của tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng không thống nhất. Một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ đã tư vấn cho người dân không tiêm vaccine sởi đơn giá lúc trẻ 9 tháng tuổi mà chờ đến khi trẻ trên 12 tháng tuổi để tiêm luôn vaccine sởi - quai bị - rubella. Việc này ảnh hưởng đến lòng tin của người dân về việc thông tin tư vấn giữa các đơn vị tiêm chủng không thống nhất, làm mất đi cơ hội được tiêm phòng bệnh sớm của trẻ và tăng nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng. Cùng với đó, một số người dân chỉ muốn con mình tiêm dịch vụ ngay từ khi sinh ra và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ này thường không trang bị vaccine sởi đơn giá cho trẻ lúc 9 tháng tuổi, dẫn đến việc không được tiêm sởi lúc 9 tháng mà phải chờ đến 12 tháng. Tình trạng này đã dẫn đến dịch sởi bùng phát trong thời gian qua. 

Chấn chỉnh lệch lạc

Nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết thời gian chích ngừa của chương trình tiêm chủng mở rộng và vaccine dịch vụ có sự khác nhau. Sự lệch lạc trong việc chích ngừa cho trẻ đang tạo ra lỗ hổng miễn dịch khiến bệnh sởi quay lại tấn công cộng đồng. Bác sĩ Khanh cho rằng, cần phải có sự phối hợp giữa vaccine dịch vụ và vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tạo ra khoảng cách chích ngừa tốt với độ bao phủ miễn dịch tốt trong cộng đồng, mới có thể kéo giảm và ngăn chặn được dịch sởi. 

Trước thực trạng này, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng phải nghiêm túc tuân thủ lịch tiêm phòng sởi theo quy định của Bộ Y tế. Đó là khi trẻ được 9 tháng tuổi phải được tư vấn, chỉ định tiêm vaccine sởi đơn giá, tuyệt đối không bỏ sởi mũi 1 chờ đến 12 tháng tuổi để tiêm vaccine dịch vụ sởi - quai bị - rubella. Trẻ được 18 tháng, chỉ định tiêm cho trẻ sởi mũi 2 bằng các vaccine sởi phối hợp (sởi - quai bị - rubella hoặc sởi - rubella). Các cơ sở tiêm chủng cần lưu ý trẻ phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, phòng bệnh sởi trong 2 năm đầu đời. 

Với các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, có thể tự mua vaccine sởi đơn giá để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân, tuy nhiên nhân viên y tế cần tư vấn đầy đủ thông tin về các loại vaccine tiêm ngừa. Nếu cơ sở không có vaccine sởi đơn giá, phải hướng dẫn người dân đưa trẻ về trạm y tế nơi cư trú để trẻ được tiêm ngừa. “Thời gian tới, các cơ sở tiêm chủng vẫn tổ chức tiêm vét vaccine sởi cho trẻ dưới 5 tuổi tại các trạm y tế,  các bệnh viện. Ngành y tế tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục rà soát lại các trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để vận động, nhắc nhở phụ huynh cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và tiếp tục thực hiện công tác hậu kiểm, giám sát các cơ sở tiêm chủng”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.

“Đã là vaccine thì đều có tác dụng phòng ngừa bệnh cho trẻ. Tôi không khuyến cáo phụ huynh bỏ chích loại vaccine nào, nhưng các bậc cha mẹ cần căn cứ trên tình hình thực tế của bệnh sởi trong cộng đồng để lựa chọn giải pháp hợp lý và an toàn nhất cho con em mình. Trẻ phải được tiêm mũi sởi lúc 9 tháng tuổi. Còn trường hợp trẻ chích mũi dịch vụ 12 tháng thì đừng để trẻ chờ tới khi 4 đến 5 tuổi mới chích tiếp. Đây là thời gian quá dài, trong khi dịch tễ sởi ở Việt Nam nhiều, trẻ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh rất lớn trong giai đoạn này”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục