“Cánh diều” vẫn không thể cất cánh

Một mùa Cánh diều nữa đã khép lại với những giải thưởng tôn vinh người làm nghề, thuyết phục có và gây tranh cãi cũng không ít. Hậu lễ trao giải, vẫn còn ngổn ngang những vấn đề cần giải quyết, bởi điện ảnh Việt dù đang có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn những lỗ hổng.  
 Đêm trao giải nhạt nhòa
Lễ trao giải Cánh diều 2018 không thể đánh giá là thành công. Hạng mục quan trọng nhất - Phim điện ảnh xuất sắc gọi tên Chàng vợ của em cùng giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Charlie Nguyễn. Kết quả này có thể chấp nhận được, dù trước đó, tại tọa đàm Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018, Song Lang mới là cái tên nhận được nhiều sự quan tâm và đánh giá tích cực.
Nhưng cuối cùng, bộ phim về nghệ thuật cải lương ngậm ngùi nhận giải bạc và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (nằm trong dự đoán) - Liên Bỉnh Phát.
Hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất gọi tên Hoàng Yến Chibi (Tháng năm rực rỡ). Các hạng mục còn lại ở thể loại Phim truyện điện ảnh đa phần bất ngờ và kém thuyết phục. 
“Cánh diều” vẫn không thể cất cánh ảnh 1 Diễn viên Kiều Trinh (áo hồng) thay mặt Liên Bỉnh Phát lên nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Phim truyện điện ảnh. Ảnh: PHƯƠNG NGHI 
Đầu tiên, việc Siêu sao siêu ngố giành giải Biên kịch xuất sắc nhất đặt ra một câu hỏi về tiêu chí chấm giải của ban giám khảo vì ở hạng mục này có không ít kịch bản trau chuốt và tròn trịa hơn. Hai hạng mục nam và nữ diễn viên phụ, ngoài phần đề cử nghèo nàn (2 diễn viên/hạng mục) phần tôn vinh cũng mang tính… hòa cả làng.
Thanh Trúc (Chàng vợ của em) vượt mặt Thanh Tú (Người bất tử) để nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, dù trên thực tế, Tú là gương mặt sáng giá hơn.
Giữa Đức Thịnh (Siêu sao siêu ngố) và Hoàng Phi (11 niềm hy vọng), Hoàng Phi nhận giải, nhưng trong số 14 phim điện ảnh tranh giải, không phải không có vai nam phụ ấn tượng hơn.
Dương Khắc Linh nhận giải Âm nhạc xuất sắc nhất (Trạng Quỳnh) và Lê Ngọc Quốc Bảo nhận giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất (Tháng năm rực rỡ) cũng là những bất ngờ.
Hạng mục Âm thanh xuất sắc nhất đã không có Cánh diều vàng, vì theo ban giám khảo, hạng mục này trong các tác phẩm năm qua còn yếu. Việc Người bất tử hoàn toàn trắng tay cũng đặt ra dấu hỏi lớn. Trong khi đó, ở thể loại phim truyền hình, các hạng mục trao cho phim và cá nhân có vẻ được những người làm nghề đồng thuận hơn.  
Nhìn về tổng thể trong 2 giờ diễn ra, lễ trao giải Cánh diều 2018 hầu như không có điểm nhấn và các phần tôn vinh cũng chưa tạo được sự trang trọng cần thiết.
Khi hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất được xướng lên, duy nhất đại diện nhà sản xuất lên nhận giải, trong khi đáng lẽ đó phải là giây phút tôn vinh cả ê kíp đoàn phim. Hai MC đêm trao giải cũng không có động thái mời các thành viên khác trong ê kíp đang ngồi dưới khán đài cùng bước lên sân khấu để tạo cái kết hứng khởi.   
Toàn bộ đêm trao giải chỉ đơn thuần là các khách mời lên công bố, trao giải trong chớp nhoáng. Mỗi lượt chỉ có một đại diện được phát biểu vì thời lượng chương trình không cho phép.
Danh sách khách mời công bố giải thưởng ngoài những tên tuổi lão làng của điện ảnh Việt cũng thưa vắng những ngôi sao phòng vé hay các nghệ sĩ tên tuổi của làng giải trí hiện nay. Vậy nên, lễ trao giải tạo cảm giác thiếu sinh khí và khán phòng Nhà hát Quân đội dù khá nhỏ nhưng còn rất nhiều chỗ trống.  
Một điểm đáng buồn không kém, có thể vì lý do đang bận quay phim hay đi nước ngoài, như chia sẻ của diễn viên Thanh Thúy (2 lần lên nhận giải thay), ở một số hạng mục quan trọng, các chủ nhân giải thưởng đã không có mặt.
Liên Bỉnh Phát, Hoàng Phi, Bob Nguyễn (phim Song Lang) đều vắng, khiến diễn viên Kiều Trinh cũng phải 2 lần thay mặt lên sân khấu nhận giải.
Trước đó, thảm đỏ Cánh diều cũng chỉ có vài tên tuổi đình đám xuất hiện. Với những gì đã diễn ra, phương án tổ chức trao giải Cánh diều theo kiểu nội bộ có lẽ sẽ hợp lý hơn, thay vì cố gắng rình rang. 
Điện ảnh Việt vẫn loay hoay
Phát biểu khai mạc đêm trao giải, NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhấn mạnh, điện ảnh Việt năm 2018 có nhiều bước tiến đáng khích lệ nhưng việc thiếu vắng các phim về đề tài cách mạng, mang hơi thở cuộc sống thời kỳ hội nhập, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay đặt ra nhiều trăn trở.
NSND Đào Bá Sơn từng đưa ra nhận định trong một tọa đàm về điện ảnh Việt Nam nhiều năm trước: “Nhiều phim điện ảnh không có chất dinh dưỡng cho các bạn trẻ, cho tâm hồn Việt”. Năm nay, ông tiếp tục giữ nguyên nhận định này. 
PGS-TS Trần Luân Kim cũng cho rằng, dù có sự phong phú về đề tài nhưng phim Việt hiện chỉ tập trung thỏa mãn người xem, thiếu các đề tài lớn, gây bức xúc trong xã hội.
Ông nhận định: “Sắc màu văn hóa dân tộc ít được chú trọng, các phim chủ yếu đề cập đến các vấn đề vụn vặt trong cuộc sống và dừng lại ở mô tả hình thái thay vì đi sâu bên trong để truyền tải thông điệp lớn. Chưa có giá trị văn học cao, cuối cùng các phim sẽ đọng lại những gì”.
Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cũng tỏ ra quan ngại về một nền điện ảnh lai căng, đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều từ phim Hàn Quốc.   
Theo tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, tất cả những vấn đề nói trên có thể hóa giải nếu có một quỹ điện ảnh được thành lập và sớm đi vào hoạt động.
Bà Lan cho biết, cuối năm 2018, dự thảo thành lập quỹ này đã được trình Chính phủ lần thứ 3 nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Lý do quan trọng nhất là bởi không thể thành lập quỹ nếu không có tiền duy trì. Phương án những tưởng tối ưu nhất là trích 3% từ doanh thu toàn thị trường, nhưng cuối cùng lại vướng quá nhiều luật: Ngân sách, Phí và lệ phí, Thuế… “Doanh thu chiếu bóng đã vào thuế rồi, nên không được phép trích tiền thuế ra nữa. Muốn trình thêm phải thông qua Quốc hội, lấy ý kiến xem có thể sửa luật không thì may ra mới có thể tiến hành quỹ”, bà Lan nói. 
Theo nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, mức thu 3% hoàn toàn không trái với thông lệ quốc tế, vì Hàn Quốc đang thu từ 3% - 5%, Pháp thu 10,7%, còn Đức thu đến 19%. Thực tế cho thấy, các quốc gia này quỹ điện ảnh của họ hoạt động hiệu quả.
Với điện ảnh Việt, nhẩm tính doanh thu toàn thị trường đạt gần 4.000 tỷ đồng (năm 2018), việc trích 3% đã tạo nên con số đáng mơ ước để hiện thực hóa việc làm các phim phản ánh lịch sử, văn hóa, có giá trị nghệ thuật cao.
Khi quỹ vẫn nằm trên giấy, thật khó để đòi hỏi các nhà làm phim tư nhân phải có nghĩa vụ làm phim nghệ thuật, vì ai cũng biết thể loại này gần như cầm chắc thất bại về doanh thu phòng vé, mà Song Lang là điển hình.   
Trong khi quỹ điện ảnh vẫn còn nằm trên giấy tờ, việc đặt hàng sản xuất phim dù đã tái khởi động sau vài năm nhưng vẫn chậm chạp. NSND Lê Hồng Chương cho rằng không thể bắt ép các phim nghệ thuật phải ăn khách, bởi đây cũng là thực trạng chung của dòng phim này trên toàn thế giới.
Bà Lan cũng nhấn mạnh, đầu tư cho phim nghệ thuật không thể đòi thu hồi lại vốn, bởi nó có trách nhiệm hoàn thành sứ mệnh riêng. NSND Đào Bá Sơn cũng nêu quan điểm, những nhà làm phim tư nhân mạnh dạn làm phim nghệ thuật nhưng không đạt doanh thu mong đợi, rất cần có sự tài trợ, động viên kịp thời.

Tin cùng chuyên mục