Cảnh giác cao trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh

>> Thứ trưởng NGUYỄN THANH LONG:
Cảnh giác cao trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh

Cùng với dịch sốt xuất huyết do virus Ebola ở Tây Phi và hội chứng viêm đường hô hấp cấp Mers-Cov ở Trung Đông có nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất cao thì ở trong nước tình hình dịch bệnh trên người cũng đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm và không thể chủ quan. Để làm rõ hơn về tình hình dịch bệnh trên người hiện nay và các biện pháp phòng ngừa, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Cảnh giác cao trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

- PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh trên người hiện nay và nguy cơ diễn biến dịch trong thời gian tới?

>> Thứ trưởng NGUYỄN THANH LONG: Không phải chỉ có Việt Nam đang đối mặt với tình hình dịch bệnh trên người phức tạp và nguy hiểm mà các nước trên thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm như hội chứng viêm đường hô hấp cấp Mers-Cov đang xảy ra tại 20 nước vùng Trung Đông. Đặc biệt là dịch sốt xuất huyết do virus Ebola đang hoành hành ở Tây Phi là vụ dịch lớn nhất trong vong 4 thập kỷ qua. Vì thế tất cả các quốc gia đều đã nâng mức độ cảnh báo ở mức cao đối với dịch bệnh do virus Ebola gây ra. Cùng với đó là dịch tả đang diễn ra tại một số quốc gia khu vực Trung Mỹ, Tây Phi và Trung Phi.

Trước diễn biến chung của tình hình dịch bệnh trên người căng thẳng như vậy, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo với cơ quan chuyên môn tiến hành giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống tích cực. Tất cả 56 dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay đều phải đặt trong mức độ cảnh giác cao và giám sát chặt chẽ của cơ quan y tế. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại cho rằng một số dịch bệnh có thể gây nên các vụ dịch lớn như: tiêu chảy cấp, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng và thậm chí cả Mers-Cov hay Ebola.

- Dịch bệnh do virus Ebola đang có những diễn biến rất nhanh và nguy hiểm. Việt Nam đã có những biện pháp gì để chủ động ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch bệnh do virus Ebola đang là vụ dịch lớn nhất trong vòng 40 năm qua tại các nước châu Phi. Bệnh lây truyền nhanh, tử vong cao, nếu không nỗ lực kiểm soát phòng chống, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ khiến nhiều người tử vong. Vì thế, Ủy ban về Tình trạng khẩn cấp của WHO đã đưa ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh do virus Ebola.

Đối với Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận có ca bệnh nhiễm virus Ebola nhưng chúng ta đã chủ động và quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập và các biện pháp phòng chống. Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại Việt Nam với 3 tình huống. Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do virus Ebola, trong đó đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn nhân viên y tế, đặc biệt là người làm việc tại khu vực cửa khẩu về các quy định giám sát, kiểm soát, xử lý phòng chống dịch bệnh do virus Ebola. Về phía lực lượng kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu thực hiện giám sát hành khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa và các biện pháp khác theo hướng dẫn của y tế.

- Cùng với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, hiện nay trong nước dịch bệnh viêm não, nhất là ở Sơn La đang có những diễn biến phức tạp với nhiều trẻ nhỏ mắc và tử vong. Ông có thể đưa ra những nhận định về tình hình dịch viêm não?

13 trường hợp trẻ tử vong ở Sơn La không phải do viêm não Nhật Bản B. Tuy nhiên, Sơn La đã và đang xảy ra một vụ dịch mà các nhà chuyên môn kết luận là hội chứng viêm não/màng não, trong đó có viêm não Nhật Bản B. Trong vòng 2 tháng qua, ở Sơn La đã có trên 100 trường hợp viêm não và qua xét nghiệm đã phát hiện có 31 ca viêm não Nhật Bản B khiến Sơn La là địa phương có số người mắc viêm não Nhật Bản B cao nhất cả nước. Hơn nữa, các nhà chuyên môn cũng nhận định, tình hình viêm não Nhật Bản B cũng như hội chứng viêm não, màng não sẽ còn những diễn biến phức tạp. Vì thế Bộ Y tế đã chỉ đạo và cùng Sơn La quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống. Bộ Y tế cũng quyết định hỗ trợ Sơn La mở rộng đối tượng tiêm vaccine viêm não Nhật Bản. Phấn đấu có ít nhất 95% số trẻ được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B.

- Cùng với viêm não thì khuẩn tả cũng đã phát hiện ở TPHCM, trong đó có 2 ca tử vong do tiêu chảy cấp? Ông nhận định như thế nào về nguy cơ bệnh tả, tiêu chảy cấp ở TPHCM?

Qua kiểm tra tại TPHCM, chúng tôi nhận định tình hình dịch tiêu chảy cấp có chiều hướng gia tăng hơn và phức tạp hơn dù số ca mắc tiêu chảy cấp hiện nay thấp hơn năm ngoái. Hơn nữa, dịch tả cũng có nguy cơ tái phát ở nước ta. Đặc biệt vừa rồi qua giám sát chủ động, Viện Pasteur TPHCM đã phát hiện mẫu ốc bươu được bán ở chợ có phẩy khuẩn tả và chủng phẩy khuẩn tả này đã từng gây ra vụ dịch tả ở Việt Nam năm 2007. Vì vậy, Bộ Y tế đã nâng mức độ cảnh báo để đối phó với tình hình dịch tiêu chảy cấp và tả ở mức độ cao hơn.

Hơn nữa, môi trường sống của người dân ở huyện ngoại thành ven ô của TPHCM, nhất là huyện Bình Chánh ở mức báo động cao. Ở đây còn tình trạng người dân sử dụng cầu tiêu ao cá, thải chất thải ra môi trường và việc sử dụng thực phẩm không an toàn vì cơ quan chức năng đã phát hiện mẫu thực phẩm ở những chợ trong khu vực có khuẩn ecoli, cyzenla và phẩy khuẩn tả. Trong khi đó, nguồn nước ở đây không đảm bảo phục vụ việc sinh hoạt hàng ngày cho người dân.

Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị tăng cường phòng chống giám sát và nâng cao vai trò trách nhiệm của UBND các cấp, cũng như người dân trong việc phòng chống dịch. Đặc biệt, đối với người dân để phòng ngừa tả và tiêu chảy cấp cần thực hành nghiêm túc các biện pháp vệ sinh hàng ngày như rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường, giữ gìn môi trường sống trong sạch và bảo đảm an toàn thực phẩm.  

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục