Cảnh giác là việc không bao giờ thừa

 
Mấy hôm nay dư luận xôn xao vì thông tin có một cựu học sinh là “Nhà báo quốc tế” trở về trường xưa tặng một ít tiền và được chào đón với nghi thức long trọng, có sự hiện diện của cán bộ lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức. Đáng chú ý là trên tấm phông buổi lễ đón (do chính ông này mang đến) đã ghi tên ông này với nhiều danh xưng hoành tráng. Hội Luật gia Việt Nam xác nhận ông này hiện là viện trưởng một viện trực thuộc Trung ương hội, nhưng nhiều người vẫn hồ nghi về những chức danh tự xưng lạ đến mức đáng ngờ. Ông này có khoe mẽ để thỏa thói háo danh hay không, có giả danh để vụ lợi gì hay không? Sự việc còn đang được làm rõ, trước mắt, đã có những động thái: Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam vừa thẩm tra và ra quyết định xóa tên ông này khỏi danh sách hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng vừa xóa tên ông này khỏi danh sách giảng viên thỉnh giảng.

Câu chuyện trên khiến chúng ta không khỏi giật mình, làm chúng ta nhớ lại những bài học cảnh giác về những vụ mạo danh doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, lừa gạt, lôi kéo nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp để chiếm đoạt tài sản hàng ngàn tỷ đồng. Với thủ đoạn đơn giản nhưng to gan, kẻ chủ mưu này mặc quân phục giả danh tướng quân đội; giả mạo bằng khen của Thủ tướng tặng cho công ty; giả mạo quyết định của Chủ tịch nước phong quân hàm cấp tướng, rồi chụp lại bằng điện thoại, mở cho mọi người xem để gây sự tin tưởng. Nhiều tay còn táo tợn dùng chiêu lập công ty lừa, thuê những cán bộ, sĩ quan, nhà trí thức có uy tín làm tham mưu cho mình, nên càng dễ giả danh, trục lợi. Cũng đã từng có những kẻ lừa đảo khoác lác nhận là con cháu ruột của các vị lãnh đạo cấp cao để nhận tiền chạy chức, chạy dự án, xin việc làm... Để thuyết phục hơn, kẻ lừa đảo trưng ra tấm ảnh được chụp chung với cán bộ lãnh đạo trong một dịp nào đó.

Vậy mà có nhiều người bị mắc lừa vì nhẹ dạ, cả tin, chủ quan và cũng không ít người đã mắc lừa vì lòng tham, hám danh lợi, muốn dễ dàng có nhiều lợi nhuận, muốn leo cao dù không có tài năng… Nạn nhân của những kẻ lừa đảo không chỉ là dân thường, có cả những cán bộ bị sập bẫy. Có nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo bị kẻ lừa đảo qua mặt, do chủ quan, cả nể, do thiếu kiến thức, hoặc được mời ăn nhậu say xỉn, nhận quà cáp, phong bì phong bao.Thực tế cho thấy, trong những vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, có nhiều bị cáo cũng chính là nạn nhân. Đó là những cán bộ trong bộ máy công quyền bị kẻ xấu qua mặt, lợi dụng, mua chuộc, trở thành cộng sự đắc lực.

Cảnh giác không bao giờ là thừa. Để phòng ngừa, ngăn chặn nạn mạo nhận chức danh, học hàm, học vị, khi tuyển dụng nhân sự, bổ nhiệm cán bộ, hoặc cả khi mời làm giảng viên thỉnh giảng, việc xác định tiêu chí bằng cấp là điều kiện cần, nhưng cũng phải kiểm tra, thẩm định một cách nghiêm túc, thực chất. Cần giáo dục nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, có ý thức tự trọng, liêm sỉ, học thật, bằng thật, làm thật, kết quả thật, uy tín thật. Luôn luôn cẩn trọng trước những hiện tượng lợi dụng uy tín của những người có chức có quyền trong bộ máy công quyền để mưu lợi cho ai đó hay cho nhóm người nào đó. Cùng với đó phải hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, để bịt kín các lỗ hổng trong công tác cán bộ.

Tin cùng chuyên mục