Cảnh sát môi trường được tiến hành điều tra về tội phạm môi trường

Đây là một nội dung đáng lưu ý trong Dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát môi trường vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp chiều 6-10.

(SGGPO).- Đây là một nội dung đáng lưu ý trong Dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát môi trường vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp chiều 6-10.

Theo Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, dự thảo gồm 6 chương, 32 điều. Trong đó, liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường (Chương II) - nội dung trọng tâm của dự thảo Pháp lệnh - khoản 4 Điều 10 và Điều 13 của dự thảo quy định lực lượng Cảnh sát môi trường được tiến hành hoạt động điều tra đối với các tội phạm về môi trường.

Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, vẫn còn có hai loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng quy định này chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, vì theo quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự thì lực lượng Cảnh sát môi trường chỉ được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Loại ý kiến thứ hai nhất trí quy định trong dự thảo Pháp lệnh về thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát môi trường tiến hành hoạt động điều tra, vì các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường có những yếu tố đặc thù, cần có lực lượng chuyên trách thực hiện hoạt động điều tra tội phạm về lĩnh vực này, phù hợp với chức năng phòng, chống tội phạm về môi trường. Bộ luật Hình sự cũng đã có một chương riêng quy định về loại tội phạm này.

UBQPAN cho rằng, việc cho phép lực lượng Cảnh sát môi trường được tiến hành các hoạt động điều tra về tội phạm môi trường là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về môi trường. Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về tổ chức điều tra hình sự. Hiện nay, Quốc hội đang giao Chính phủ soạn thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. “Do đó, để bảo đảm phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định cụ thể về thẩm quyền điều tra của lực lượng này trong Pháp lệnh mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc như dự thảo Pháp lệnh là phù hợp, còn thẩm quyền cụ thể về điều tra của lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ do Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định”, ông Nguyễn Kim Khoa nhận định.

Về kiểm tra vi phạm pháp luật về môi trường, cơ quan thẩm tra cho rằng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường thuộc chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, lực lượng Cảnh sát môi trường là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường.

Một nội dung đáng lưu ý khác có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp công tác của lực lượng cảnh sát môi trường. Có ý kiến cho rằng quy định lực lượng Cảnh sát môi trường được áp dụng biện pháp vũ trang để tổ chức phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường là không cần thiết, vì tính chất của hành vi tội phạm về môi trường và đối tượng phạm tội về môi trường không mang tính nguy hiểm, manh động như trong một số lĩnh vực xã hội khác. Tuy nhiên, UBQPAN cơ bản nhất trí với quy định tại Điều 11 của dự thảo Pháp lệnh vì cho rằng, Cảnh sát môi trường là lực lượng thuộc Cảnh sát nhân dân, các biện pháp công tác của lực lượng Cảnh sát môi trường được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật về các biện pháp công tác của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Do đó, quy định lực lượng Cảnh sát môi trường được thực hiện các biện pháp công tác của Cảnh sát nhân dân như dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục