Cảnh sát PCCC phải tỉnh táo và bản lĩnh

Lính cứu hỏa - nghề vinh quang nhưng đối diện với không ít nguy hiểm. 
Cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận chống “giặc lửa” có thể bị thương, thậm chí hy sinh bất cứ lúc nào bởi những nguy cơ rình rập như: khí độc từ đám cháy tỏa ra, nổ hóa chất, té ngã trên cao, tường - trần nhà đang cháy bị sập; lửa táp gây bỏng…
Để chữa cháy hiệu quả và tránh những rủi ro, tai nạn, sự cố phát sinh xảy đến với bản thân, đòi hỏi người lính cứu hỏa phải được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ kiến thức PCCC, nghiệp vụ chữa cháy; đặc biệt phải bản lĩnh, quyết đoán và khéo léo khi dập lửa. Ở TPHCM, đội ngũ lính chữa cháy chuyên nghiệp đã, đang và sẽ được đào tạo thế nào? Kinh nghiệm rút ra được gì sau vụ chữa cháy dẫn đến 1 cán bộ hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương?... Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP, xung quanh vấn đề này. 
- Phóng viên: TPHCM là thành phố lớn nhất nước, theo đó nguy cơ cháy nổ nhiều. Để ứng phó, xử lý hiệu quả các sự cố cháy nổ, cứu nạn cứu hộ (CNCH) xảy ra, Cảnh sát PCCC TP đã xây dựng đội ngũ này như thế nào, thưa ông?
- Đại tá LÊ TẤN BỬU: Toàn thành phố hiện có hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ PCCC và CNCH. Trong đó, lính nghĩa vụ quân sự khoảng 800 (chiếm hơn 25%), nhiệm vụ chính của các chiến sĩ này là thường trực chiến đấu, túc trực tiếp chữa cháy, CNCH tại hiện trường. Số còn lại là cán bộ, chiến sĩ được đào tạo chính quy đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp về PCCC - CNCH, bên cạnh nhiệm vụ chữa cháy còn được phân công làm tham mưu, kiểm tra, xử lý cháy nổ… Khi bố trí, phân công cán bộ, chiến sĩ về làm nhiệm vụ tại các đơn vị, phòng ban chuyên môn, Đảng ủy, Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TP đều căn cứ, dựa trên nhu cầu thực tế, đặc điểm tình hình địa bàn cũng như chuyên môn của từng trường hợp… 
Cảnh sát PCCC phải tỉnh táo và bản lĩnh ảnh 1 Đại tá Lê Tấn Bửu
- Nhiệm vụ chữa cháy, CNCH rất quan trọng, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải nắm rõ kiến thức PCCC, giỏi nghiệp vụ. Việc sử dụng một lượng lớn lính nghĩa vụ làm nhiệm vụ chữa cháy, CNCH, liệu có hiệu quả?
- Trước khi được phân công về đơn vị, các chiến sĩ nghĩa vụ quân sự được Trung tâm đào tạo huấn luyện nghiệp vụ (Cảnh sát PCCC TP) tập huấn khóa nghiệp vụ chữa cháy, CNCH trong 4 tháng. Theo đó, trong thời gian này, các chiến sĩ được trang bị kiến thức chính trị, pháp luật về PCCC nói chung. Đặc biệt, các chiến sĩ còn được truyền dạy, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chiến đấu: chữa cháy và CNCH. Cuối khóa, chiến sĩ nào được đơn vị đào tạo chấm đạt mức trung bình khá trở lên mới được phân công về đơn vị chuyên môn làm nhiệm vụ, còn chưa đạt sẽ tiếp tục tập huấn. Khi được phân công về đơn vị chuyên môn, chiến sĩ nghĩa vụ quân sự tiếp tục được chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị đó huấn luyện nghiệp vụ chuyên sâu như: sử dụng xe thang, chiến thuật chữa cháy, phương án chữa cháy đối với từng đám cháy khác nhau; chiến sĩ nghĩa vụ còn được cho khảo sát nắm kỹ hệ thống giao thông, nguồn nước chữa cháy trên địa bàn… Khi đảm bảo các điều kiện trên, lính nghĩa vụ mới được lãnh đạo đơn vị phân công tham gia chữa cháy, CNCH. Thực tế trước giờ cho thấy, lực lượng chiến sĩ nghĩa vụ đã đóng góp rất lớn trong chữa cháy, CNCH vì các chiến sĩ trẻ rất đam mê công việc, năng động và có thể lực tốt.
- Theo ông, người chỉ huy có vai trò như thế nào trong chữa cháy, CNCH? Để không bị mắc sai lầm và luôn chiến thắng trước “giặc lửa”, người chỉ huy cần phải có những tố chất gì?
- Trong chữa cháy, CNCH cũng giống như trong chiến đấu với quân xâm lược, người chỉ huy luôn giữ vai trò “hạt nhân”. Chiến thuật đưa ra của người chỉ huy quyết định sự thành bại trong chiến đấu. Đặc biệt là trong chữa cháy, nếu chỉ huy chữa cháy làm không đúng nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, tổ chức chữa cháy không hợp lý, hậu quả để lại đôi khi không chỉ làm thiệt hại nhiều tài sản mà còn phải trả giá bằng cả tính mạng của người dân và lực lượng chiến sĩ làm nhiệm vụ. Tôi vẫn thường nhắc anh em, để không mắc sai lầm và chiến thắng được giặc lửa, khi tiếp cận hiện trường, trước tiên chỉ huy chữa cháy phải đánh giá được tình hình đám cháy (có người mắc kẹt hay không, số lượng bao nhiêu? chất cháy, diện tích đám cháy, hướng phát triển của đám cháy?...). Từ đó, đưa ra phương án tác chiến hợp lý, điều động đủ và đúng cán bộ, chiến sĩ, phương tiện tham gia chữa cháy. Ở khâu này, nếu chỉ huy không làm tốt, nhận định sai tình hình đám cháy, để đám cháy diễn biến phức tạp sau 10 phút xảy ra cháy, hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, trong trường hợp đám cháy có người mắc kẹt bên trong, đòi hỏi người chỉ huy phải có “cái đầu lạnh”, thật sự tỉnh táo và bản lĩnh. Tỉnh táo để luôn đúng, bản lĩnh để chớp được cơ hội, vì trong chữa cháy, nếu chỉ sai một centimet, hoặc chậm vài giây cũng đủ phải trả giá bằng tính mạng. 
- Liên quan đến vụ việc 1 cán bộ đã hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương khi chữa cháy tại một nhà dân ở quận Bình Tân, nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại nghiệp vụ, quy trình chữa cháy, vì sự cố xảy ra sau khi đám cháy được dập tắt? 
- Đây là một tai nạn đau lòng của toàn lực lượng Cảnh sát PCCC. Qua rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình tác nghiệp chữa cháy của các lực lượng tham gia chữa cháy, đặc biệt là Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân cho thấy chiến thuật, nghiệp vụ chữa cháy đều đúng quy định và hợp lý. Nguyên nhân khách quan dẫn đến tai nạn, sự cố phát sinh là do kết cấu công trình, căn nhà quá đơn giản, cốt thép bên trong của sàn nhà chỉ làm bằng lưới B40. Ảnh hưởng từ sức nóng của đám cháy, sàn nối tầng trệt và tầng 1 của căn nhà đã bị sập khi các chiến sĩ đang cố gắng dập lửa âm ỉ ở tầng 1. Sự cố này nằm ngoài khả năng, phán đoán, nhận định tình hình của Cảnh sát PCCC. 
Cảnh sát PCCC phải tỉnh táo và bản lĩnh ảnh 2 Hiện trường vụ cháy tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8-9 khiến 1 chiến sĩ hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương trong lúc làm nhiệm vụ
 - Cảnh sát PCCC TPHCM rút ra bài học kinh nghiệm gì từ vụ chữa cháy này?  
- Ánh sáng phục vụ công tác chữa cháy là yếu tố quan trọng. Trong vụ chữa cháy ở nhà số 9, đường 10A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, nếu ánh sáng phục vụ chữa cháy tốt hơn, có thể cán bộ, chiến sĩ chữa cháy sẽ nhìn thấy các dấu hiệu đổ sập của căn nhà, từ đó có phương án phòng ngừa tốt hơn, hậu quả sẽ không đau lòng đến vậy. Vụ việc này một lần nữa để mỗi cán bộ, chiến sĩ chữa cháy luôn ý thức rằng, trong nhiệm vụ chữa cháy luôn luôn cảnh giác với mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra. 
 Cảm ơn ông! 
Sáng 11-9, hàng ngàn người dân cùng đồng chí, đồng đội đã đến tiễn đưa Đại úy Phạm Phi Long (Tiểu đội phó, Đội Chữa cháy khu vực 2, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân) - cán bộ Cảnh sát PCCC đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ chữa cháy. Trước đó, lúc 23 giờ 15 tối 7-9, căn nhà số 9 (1 trệt, 1 lầu) nằm trên đường 10A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân xảy ra cháy. Nhận tin báo, Trung tâm chỉ huy Cảnh sát PCCC TPHCM điều động Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, Đội chữa cháy KCN Vĩnh Lộc đến dập lửa. Quá trình chữa cháy, sàn và các tường của tầng 1 căn nhà bị sập làm Đại úy Phạm Phi Long hy sinh, hai chiến sĩ khác bị thương là hạ sĩ Phan Tấn Quốc và hạ sĩ Bùi Văn Dũng, cùng công tác tại Đội Chữa cháy khu vực 2. 

Tin cùng chuyên mục