Cấp bách an dân vùng sạt lở

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đe dọa đến sự an toàn của người dân diễn ra ngày một nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL. Đến nay, các địa phương đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc di dời dân cư, ổn định nơi ở mới cho người dân vùng sạt lở vẫn còn rất chậm, dù tết đang đến gần…
 Vụ sạt lở tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trong năm 2018. Ảnh: PHAN THANH
Vụ sạt lở tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trong năm 2018. Ảnh: PHAN THANH

Cuối năm lo chuyện sạt lở

Những ngày cuối năm 2018, 2 căn nhà ven sông tại ấp Dinh Cũ (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) bị sạt lở và nhấn chìm nhiều đồ đạc của gia chủ xuống sông. Rất may, con ông Ung Văn Hai (1 trong 2 hộ dân bị sạt lở) thoát nạn trong gang tấc. Hiện nay, các căn nhà gần khu vực sạt lở cũng đã xuất hiện những vết rạn nứt. Chính quyền xã Tam Giang Tây đã kêu gọi nhân dân nâng cao ý thức phòng tránh sạt lở, di chuyển đồ đạc có giá trị đến nơi an toàn; không để người già, trẻ em, phụ nữ ngủ những nơi có nguy cơ sạt lở... Tết Nguyên đán không còn xa nhưng những hộ dân này vẫn phập phồng lo sạt lở. 

Vụ sạt lở trên là “chuyện thường ngày” đối với người dân sống trong vùng sạt lở tại vùng đất Cà Mau. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, Cà Mau là một trong những địa phương trong vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng sạt lở bờ sông lẫn bờ biển. Chỉ tính riêng sạt lở, trung bình mỗi năm tỉnh Cà Mau mất trên 800ha đất.

Tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là tại các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển… Theo UBND tỉnh Cà Mau, kết quả khảo sát thực tế có 27 vị trí sạt lở với tổng chiều dài gần 38.000m, trong đó có 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4.800m, liên quan đến 1.040 hộ dân sinh sống, sản xuất, kinh doanh trong khu vực cần phải sớm di dời để bảo vệ tính mạng, tài sản. 

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay xảy ra gần cả trăm vụ sạt lở với tổng chiều dài 38.370m, sạt lở ăn sâu vào đất liền có nơi từ 20 - 30m. Tuy không thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về vật chất do sạt lở ở địa phương ước tính gần 20 tỷ đồng, trong đó có 1.580 nhà bị ảnh hưởng, 1.570 ngôi nhà buộc phải di dời khẩn cấp. Tỉnh Đồng Tháp đang cần xây dựng 12 cụm dân cư ở 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích 61ha để bố trí cho 2.440 hộ nằm trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Trong khi đó, tại An Giang, từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn biến mạnh và phức tạp, toàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ sạt lở, trong đó có 17 điểm sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch... với tổng chiều dài 1.837m; làm mất 4.414m2 đất, ảnh hưởng đến 49 căn nhà (trong đó có 1 căn nhà sụp hoàn toàn, 7 căn nhà sụp một phần xuống sông) cùng với nhiều tài sản và các công trình hạ tầng khác bị ảnh hưởng. Ước tổng thiệt hại do sạt lở trên 4,2 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Ngoài ra, tại các địa phương khác như: Hậu Giang, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long… tình hình sạt lở vẫn “âm thầm” diễn ra, đe dọa đến cuộc sống người dân.

Ổn định nơi sinh sống

Khu dân cư vàm Cái Cám (xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) được dùng để bố trí các hộ dân sống trong rừng phòng hộ rất xung yếu, ngoài đê, vùng thường xuyên bị sạt lở do thiên tai... vào sinh sống. Hiện đã có hàng trăm hộ dân được xét duyệt vào đây cất nhà ở. 

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), ĐBSCL hiện có 513 điểm sạt lở trên 520km bờ sông, 49 điểm sạt lở trên chiều dài 266 km bờ biển. Các tỉnh ĐBSCL đang thực hiện nhiều giải pháp để ổn định cuộc sống của người dân bị sạt lở đe dọa. Trong đó, tập trung chủ yếu vào 90 điểm sạt lở bờ sông và bờ biển nguy hiểm.

Sau khi được vào khu dân cư, bà Trần Thị Hoa chia sẻ: “Khi hết chỗ chạy thì tôi được chính quyền xét cấp cho nền nhà. Hiện chỗ ở đã ổn định nên không còn nơm nớp lo cảnh chạy sạt lở nữa”. Ngoài ra, khi có được chỗ ở mới an toàn, người dân rất vui nhưng cũng lo lắng việc sinh kế. Anh Lê Văn Nghĩa (sống tại khu dân cư vàm Kênh Tư, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết: “Đa phần các hộ dân vào đây, trước sống bằng nghề biển, cuộc sống còn khó khăn. Khi vào đây thì có chỗ ở ổn định nhưng lại “đói” việc làm. Ngoài ra, đường nơi đây chưa hoàn thiện, nước thì lúc có lúc không nên người dân gặp khó trong việc sinh hoạt hàng ngày”.

Tại Hậu Giang, địa phương cũng đang khẩn trương hoàn thiện đề án di dời hơn 800 hộ dân khu vực sạt lở ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Tỉnh đã thực hiện di dời nhiều hộ dân ở các vùng sạt lở nguy hiểm vào khu dân cư vượt lũ. Đối với những hộ còn đất có thể cất nhà lại, tỉnh hỗ trợ tối thiểu 20 triệu đồng/hộ để người dân ổn định cuộc sống, kịp đón Tết cổ truyền”. 

Theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đến thời điểm này, các địa phương đã sắp xếp dân cư ổn định cho 9/45 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở vào các khu vực đất công, cụm dân cư vượt lũ; 36 hộ khác đang tính toán để thực hiện bố trí tiếp. 

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn để xây dựng thêm các cụm tuyến dân cư, di dời người dân vùng sạt lở đến nơi an toàn. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm, một chiều, nên tết này, nhiều hộ dân chạy sạt lở vẫn phải sống ở nơi ở tạm và không ít hộ dân đang âu lo vì vẫn phải mưu sinh trên miệng thủy thần… 

Tin cùng chuyên mục