Cấp bách nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh

Ngày 23-7, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - Yếu tố then chốt quyết định việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ”. Đây là cuộc tọa đàm thứ 2 sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 có kết quả thi tiếng Anh thấp, với khoảng 70% thí sinh điểm dưới trung bình.

Như vậy, liên tục 3 năm 2017, 2018, 2019, điểm môn Tiếng Anh trong kỳ thi THPT đều có điểm trung bình dưới 5 điểm; mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3 - 3,4. Kết quả thi này có sự phân hóa theo vùng miền. Những địa phương khó khăn thuộc vùng núi phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Hà Giang, Sơn La, Hậu Giang… nhiều năm xếp cuối về điểm trung bình trong cả nước; những thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… đứng đầu, đều từ 5 - 6 điểm, cao hơn mức chung của cả nước. 

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, trong các yếu tố để nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh, yếu tố quan trọng nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy. Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Bộ GD-ĐT cho biết, trong quá trình thí điểm thực hiện dạy và học ngoại ngữ, 30% giáo viên ngoại ngữ trên hệ thống chưa đáp ứng năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu.

Hiện nay, phổ biến nhất trên toàn quốc là hệ 7 năm và hệ 10 năm. Hệ 10 năm là chương trình Tiếng Anh phổ thông 10 năm dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12. Theo mục tiêu của đề án ngoại ngữ quốc gia, chương trình ngoại ngữ 10 năm mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm 2018-2019.

Tuy nhiên, rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên đã làm chậm lại mục tiêu này. Thực tế, trên hệ thống hiện chỉ có khoảng 10% cơ sở giáo dục trên toàn quốc triển khai chương trình Tiếng Anh 10 năm. Thống kê cho thấy, điểm trung bình thi THPT quốc gia của học sinh học hệ 10 năm cao hơn học sinh hệ 7 năm gần 2 điểm. 

Thực tế từ các địa phương về bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh cho thấy, còn quá nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh. Năng lực đội ngũ giáo viên không đồng đều; giáo viên dạy ngoại ngữ kiêm nhiệm các môn khác như giáo dục công dân, làm chủ nhiệm; giáo viên tiếng Nga, Pháp chuyển sang dạy Tiếng Anh; giáo viên ngoại ngữ ở vùng núi thiếu cơ hội để nâng cao chất lượng giảng dạy…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau tọa đàm này, bộ sẽ nghiên cứu tổ chức thực hiện hoạt động bồi dưỡng giáo viên hiệu quả, đáp ứng việc triển khai môn Tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh tại các trường phổ thông trên toàn quốc.

Tin cùng chuyên mục