Cấp nước thông minh cần cơ chế tài chính đặc thù

Tại hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ Sawaco đã đề ra mục tiêu xây dựng chương trình cấp nước thông minh cho TPHCM. 

Trong chương trình này, Sawaco sẽ xây dựng khu trung tâm liên hợp đa chức năng ngành nước tại quận 9. Đề xuất trên được đánh giá phù hợp với quy hoạch của TP về xây dựng khu đô thị khoa học sáng tạo tại khu vực quận 2, 9, Thủ Đức. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế, chính sách gì tạo vốn để hiện thực hóa mục tiêu mà lãnh đạo ngành cấp nước TP nhận định mang tính tất yếu? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Sawaco.

Bước đi phù hợp 

° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, chương trình cấp nước thông minh có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hoạt động hiện nay của ngành cấp nước TPHCM ? 

° Ông Trần Văn Khuyên: Tại hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Sawaco đã nhận định những thành tựu mà ngành cấp nước TP đã đạt được trong hơn hai năm rưỡi qua đối với nhiệm vụ đưa nước sạch đến với nhân dân TP; đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại, thách thức cần có giải pháp hoặc kiến nghị giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, tôi cho rằng quan trọng hơn hết là hội nghị đã suy nghĩ và đề xuất thực hiện mục tiêu cấp nước thông minh cho TP.

Định hướng này vừa mang tính chiến lược, đồng thời cũng là nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với ngành cấp nước TPHCM hiện nay. Bởi lẽ, nếu không xây dựng được chương trình cấp nước thông minh cho một TP mà tốc độ gia tăng dân số cao, có tiềm lực phát triển kinh tế mạnh và nhanh, cũng như đang ngày càng bị tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu khó lường, thì e rằng trong tương lai không xa ngành cấp nước sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. 

Cấp nước thông minh cần cơ chế tài chính đặc thù ảnh 1 Ông Trần Văn Khuyên (áo trắng, đứng giữa) tham quan gian hàng triển lãm tại tuần lễ khoa học, công nghệ do Sawaco tổ chức năm 2018

° Vậy, chương trình cấp nước thông minh được hiểu như thế nào, thưa ông? 

° Cấp nước thông minh nghĩa là chúng ta tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; nghiên cứu lựa chọn, ứng dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng… Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống cấp nước và chế độ chia sẻ thông tin kịp thời giúp các đơn vị cấp nước chủ động khắc phục các rủi ro về nguồn nước; từng bước tiếp cận xây dựng kế hoạch, lộ trình áp dụng ISO cho hoạt động của ngành. 

Để chuẩn bị cho mục tiêu đề ra, trước đó Sawaco cũng đã tính toán đến việc khảo sát, đánh giá và tư vấn quy hoạch xây dựng Trung tâm liên hợp đa chức năng ngành nước tại quận 9 (TPHCM), gồm 3 trung tâm: Trung tâm điều hành hệ thống cấp nước TP; Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và quản lý chất lượng nước; Trung tâm đào tạo ngành nước. Trên cơ sở trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cấp nước hiện nay. Sawaco cũng sẽ sớm báo cáo Thành ủy - UBND TPHCM xin chủ trương để sớm xây dựng kế hoạch tổ chức các bước triển khai từ nay đến năm 2020. Cũng cần nói thêm, đề xuất này phù hợp với quy hoạch của TP về xây dựng khu đô thị khoa học sáng tạo tại các quận 2, 9, Thủ Đức.         

Nguồn lực cho các giải pháp chiến lược từ đâu?  

° Ông có nêu ra 2 thách thức lớn mà ngành cấp nước TPHCM đang phải đối mặt và cần phải xây dựng chương trình cấp nước thông minh để giải quyết các vấn đề trên. Sự gia tăng dân số cơ học ở mức cao và liên tục đang diễn ra tại TPHCM có thể hình dung được. Riêng tình trạng biến đổi khí hậu tác động đến hoạt động cấp nước như thế nào, thưa ông?  

° TPHCM chủ yếu khai thác nguồn nước mặt từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, cung cấp trên 90% lượng nước thô. Tuy nhiên, do nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh nên thời gian qua nguồn nước mặt có xu hướng gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng do Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM… tập trung nhiều khu công nghiệp, khu dân cư. Các hoạt động của con người đã xả nguồn nước thải ô nhiễm ra các con sông rất lớn. Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực trong quản lý,  bảo vệ nguồn nước, nhưng thực tế vẫn không hạn chế được tình hình… Kết quả nghiên cứu đánh giá của các đề tài nghiên cứu khoa học, cũng như số liệu giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và công tác theo dõi diễn biến chất lượng nước do Sawaco thực hiện cho thấy cả 2 nguồn nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm hữu cơ, ammonia, vi sinh… ở mức tiệm cận và có thời điểm vượt quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là chất lượng nước thô sông Sài Gòn.

Mặc dù với năng lực công nghệ hiện tại Sawaco vẫn luôn đảm bảo xử lý được nguồn nước sạch an toàn, đạt chất lượng nhưng ô nhiễm nguồn nước sông dự báo nhiều rủi ro rất đáng quan ngại trong tương lai. Bên cạnh ô nhiễm nguồn nước, thì tác động của biến đổi khí hậu mà đặc biệt là xâm nhập mặn vào mùa khô cũng là một trong những thách thức lớn đối với ngành nước nên cần có những giải pháp thông minh để chủ động được với những diễn biến bất thường.

° Để sớm hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành cấp nước TPHCM cần những cơ chế, chính sách gì, thưa ông? Sawaco đã dự liệu được tổng kinh phí đầu tư chưa và nguồn vốn đầu tư từ đâu?  

° Cấp nước thông minh là giải pháp chiến lược nhằm đảm bảo năng lực cấp nước sạch cho TPHCM, trong đó ứng phó được với biến đổi khí hậu và các tác động bất lợi khác. Tuy nhiên, triển khai mục tiêu này chúng tôi cũng đã hình dung được những khó khăn trở ngại cũng như thách thức mà ngành cấp nước TP sẽ gặp phải. Đặc biệt các giải pháp đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi hiện nay Sawaco đang phải tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống đảm bảo cung cấp nước sạch cho 100% hộ gia đình.

Trước mắt, Sawaco đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước TP đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở triển khai thực hiện các giải pháp trên; đề xuất hỗ trợ về mặt quy hoạch, bố trí đất đai ưu tiên cho các công trình đảm bảo an toàn cấp nước (hồ nước thô, các bể chứa nước sạch trên mạng lưới cấp nước); đề xuất được hỗ trợ về nguồn vốn hoặc cơ chế tài chính (thông qua giá nước hoặc liên doanh, liên kết đầu tư…) để có nguồn lực thực hiện các giải pháp chiến lược… 

Hệ thống cấp nước TPHCM hiện có tổng công suất cấp nước sạch là 2.400.000m3/ngày. Công suất vận hành thực tế của các nhà máy khoảng 1.820.000m3/ngày để cung cấp nước cho khoảng 10 triệu dân TP (hơn 1.5 triệu đấu nối khách hàng) phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và các mục đích khác.  

Tin cùng chuyên mục