Cấp phép xây nhà trên mồ mả

Có người được cấp phép xây nhà trên một khu nghĩa trang gia tộc có hơn 200 ngôi mộ, trong đó có mộ các liệt sĩ.
Khu nghĩa trang gia tộc ông Võ Văn Gia (diện  tích 4.700m², ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM) đã có hơn 100 năm nay với hơn 200 ngôi mộ, trong đó có mộ các liệt sĩ Võ Văn Xu, Võ Văn Cứng, Võ Văn Biến, Võ Thị Bèo và Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hưởng. Nay có người được cấp phép xây nhà trên mồ mả ở khu nghĩa trang này. 
Bà Võ Thị Lang, cháu nội ông Võ Văn Gia, cho biết: “Ông nội tôi mua khu đất này năm 1910 để làm khu nghĩa trang gia tộc. Sau khi ông nội và thế hệ cha tôi qua đời, anh em chúng tôi là hàng cháu cùng nhau trông nom nghĩa trang. Nhưng năm 2016, UBND huyện Hóc Môn lấy 1.250m² đất mộ ở đây cấp cho ông Trần Văn Cu, trong phần đất đó có 10 ngôi mộ của gia tộc chúng tôi”. 
Trong khi con cháu ông Võ Văn Gia đang khiếu nại, ông Trần Văn Cu đã nhanh chóng sang nhượng khu đất cho ông Châu Văn Tiết và bà Trương Thị Đinh Nhàn. Ngày 7-12-2016, UBND huyện Hóc Môn đã cấp giấy phép xây dựng số 6738/GPXD cho ông Tiết và bà Nhàn xây dựng nhà ở.
Cấp phép xây nhà trên mồ mả ảnh 1 Địa điểm những phần mộ đã bị  san lấp
Theo giấy phép này, công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, có tổng diện tích sàn xây dựng 161m². Có giấy phép xây dựng, ông Tiết khởi công xây dựng nhà và đã san lấp các mồ mả. Ngay sau khi nhận được khiếu nại của con cháu ông Võ Văn Gia, ngày 4-1-2017, ông Trần Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, đã đến lập biên bản và buộc ngưng thi công để ngăn hành vi xâm phạm mồ mả. Theo biên bản ghi nhận tại hiện trường, chủ đầu tư đã san lấp 10 ngôi mộ, trong đó có cả mộ ông Võ Văn Bài là cha của ông Võ Văn Gia, có 3 ngôi mộ bị lấp đất sâu gần 1m.  
UBND huyện Hóc Môn đã ra Quyết định 2118/QĐ-UBND thành lập tổ kiểm tra liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trình tự thủ tục cấp giấy phép xây dựng; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong công tác tham mưu cấp giấy phép xây dựng cho ông Tiết và bà Nhàn. Tuy nhiên, mãi đến nay vẫn chưa có kết luận giải quyết vụ việc.
Phân tích vụ việc này, luật sư Dương Thị Tới (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: “Hành vi xâm phạm mồ mả không chỉ vi phạm đạo đức, mà còn vi phạm pháp luật. Điều 246 Bộ luật Hình sự quy định, người nào đào phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để trong mộ, trên mộ, hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù 1 - 5 năm.
Trong vụ việc này, cùng với việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng trực tiếp san lấp, xâm phạm mồ mả, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ đã ký cấp phép xây dựng không đúng, dẫn đến hậu quả như vậy”.

Tin cùng chuyên mục