Cấp thiết đầu tư, hỗ trợ điểm diễn kịch nói

Sau nhiều năm cố gắng bám trụ với nghề, đối mặt với muôn vàn khó khăn vì phải gồng gánh để duy trì hoạt động tổ chức biểu diễn và chấp nhận thua lỗ, hầu hết các ông bà “bầu” sân khấu kịch nói xã hội hóa (XHH) ở TPHCM đang trong tâm thế bất an, “mất lửa” vì thiếu địa điểm biểu diễn phù hợp, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp. 

Nỗi niềm điểm diễn

Sau gần 20 năm thuê mướn hội trường Trung tâm Văn hóa (TTVH) quận Phú Nhuận để làm nghề, thậm chí có giai đoạn bung ra quản lý đến 3 điểm diễn (TTVH quận Phú Nhuận, Superbowl và rạp Kim Châu), NSND Hồng Vân chỉ có một mong mỏi duy nhất là được thỏa đam mê góp phần duy trì và phát triển loại hình kịch nói tại TPHCM. Dù mỗi năm kết sổ vẫn lỗ, nhưng chưa khi nào bà “bầu” Hồng Vân bày tỏ cảm giác mệt mỏi đến kiệt sức như bây giờ. Thời điểm này, tình hình hoạt động tổ chức biểu diễn trở nên khó khăn hơn, nhất là khi nơi làm nghề ngày càng xuống cấp vì không được tu bổ sửa chữa, không thể đáp ứng tốt nhu cầu biểu diễn, sáng tạo.

Tuy điểm diễn của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (hội trường của Nhà Thiếu nhi quận 10 được xây dựng cách nay 5 năm) khang trang hơn so với một số nơi, nhưng vì không là “nhà của mình” nên mọi hoạt động sáng tạo của tập thể tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu kịch này cũng giới hạn. So với tính chất căn bản của một sân khấu kịch, hội trường tuy đẹp, nhưng không gian quá lớn để có thể làm một sân khấu kịch nói chuyên nghiệp, đủ và đúng chuẩn.

Sân khấu kịch Idecaf của ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn ra đời năm 1997, hoạt động tổ chức biểu diễn có phần tốt hơn một số sân khấu xã hội hóa khác, nhưng đây vẫn là chỗ thuê của Viện Trao đổi văn hóa với Pháp. Bao năm qua sân khấu xuống cấp nhiều, nhưng những người làm nghề chỉ có thể nâng cấp, chắp vá, không thể sữa chữa lớn. 

Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi cũng hoạt động cầm chừng tại điểm diễn TTVH quận 6 (cơ sở 2). Sân khấu kịch Sài Gòn cố gắng bám trụ tại rạp Đại Đồng cũ kỹ. Chỉ có mỗi sân khấu Thế Giới Trẻ “chịu chơi” chi đến tiền tỷ để đầu tư nâng cấp nội thất, nhưng vẫn chỉ là nhà hát của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM.

Mỏi mòn chờ đợi

Đầu 2015, Hội Sân khấu TPHCM làm đề án xin thành phố sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất và xây dựng 2 thang máy tại địa điểm 5B Võ Văn Tần, quận 3, để tạo thuận lợi cho hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Sân khấu kịch 5B. Thành ủy TPHCM đã giao trách nhiệm cho Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM theo dõi, hỗ trợ và làm đề án. Liên hiệp giao Hội Kiến trúc sư TPHCM đo đạc các thông số kỹ thuật, lên dự án. 

Cấp thiết đầu tư, hỗ trợ điểm diễn kịch nói ảnh 1 Sân khấu kịch 5B cố gắng sáng đèn với những vở diễn mới
Sau khi Hội Sân khấu TPHCM ra mắt ban chấp hành nhiệm kỳ mới, đã tiếp tục tiến trình thực hiện đề án này. Lúc bấy giờ, UBND TPHCM giao Sở VH-TT TPHCM trách nhiệm xem xét và hỗ trợ thực hiện đề án với kinh phí dự chi hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, song song với dự án này lại có một dự án khác được thành phố chấp thuận và phê duyệt, là xây dựng mới toàn bộ địa điểm 5B Võ Văn Tần với hình thức đấu thầu, liên doanh xây dựng (BOT), kinh phí ước tính ban đầu cả trăm tỷ đồng. 

Khi cả 2 dự án được duyệt, năm 2016, Sở VH-TT đã quyết định tạm dừng thực hiện dự án một, để tập trung cho kế hoạch xây dựng mới địa điểm này. Từ năm 2016 trở đi, nhiều hoạt động thăm dò thực địa sân khấu 5B được tiến hành. Tuy nhiên, thời điểm 2017 - 2018, khi dự án đang làm giữa chừng thì chủ trương về BOT tạm dừng, dự án 5B một lần nữa bị nghẽn. 

Cả 2 dự án đều dở dang, Hội Sân khấu TPHCM phải lây lất chờ đợi. Sân khấu kịch 5B tọa lạc trên lầu 3 dù đã nỗ lực sáng đèn cũng gặp khó vì khán giả luôn cảm thấy ngại phải leo 3 tầng lầu mới đến được sàn diễn. Chưa kể, nội thất sân khấu cũng đã xuống cấp nhiều: máy lạnh yếu, ghế sắt cũ, khán giả phía sau phải leo lên những hàng ghế sắt cao tầng mới được an tọa, hệ thống âm thanh, ánh sáng chỉ có thể đáp ứng tạm nhu cầu biểu diễn. 

Cần tháo gỡ điểm nghẽn

NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ: “Tình hình sân khấu hôm nay quá khó khăn. Nhiều suất diễn chỉ bán được mấy chục vé nhưng chúng tôi vẫn cố gắng sáng đèn. Để thu hút, sân khấu đã chủ động giảm 10% - 50% tùy giá vé đối tượng khán giả. Trong khi mỗi suất diễn chi bình quân 12 - 15 triệu đồng cho cả ê kíp, chưa tính tiền mặt bằng, nên cầm chắc lỗ. Có những lúc lắng lòng, ngồi nhìn sàn diễn, không chỉ tôi mà anh em nghệ sĩ cảm thấy tủi thân. Nhiều lúc nản, tôi muốn buông tay, nhưng rồi lại không cam tâm. Sân khấu nghệ thuật như có một ma lực lôi kéo, níu giữ mình. Chỉ mong khán giả yêu thương kịch nói tiếp tục ủng hộ để chúng tôi có thêm động lực...”. 

NSND Hồng Vân cũng trăn trở: “Các sân khấu kịch đều phải thuê mướn điểm diễn, nhưng cơ sở vật chất đã quá cũ kỹ, đó là nỗi khổ nói hoài của những người nghệ sĩ còn bám trụ với nghề mà chưa được cơ quan quản lý văn hóa quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ”.

Nhìn vào mặt bằng sân khấu cho thuê mướn làm điểm tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật hiện nay tại TPHCM, gần như không có sàn diễn nào đẹp, đủ chuẩn, có vị thế tốt đáp ứng cho hoạt động tổ chức biểu diễn kịch nói. Khi không có điểm diễn, các ý tưởng sáng tạo nghệ thuật sẽ không thể phát huy, nghệ sĩ không có nhiều cơ hội rèn nghề, thăng hoa với nghề... Như vậy, các tác phẩm sân khấu nghệ thuật chất lượng sẽ không có cơ hội đến với công chúng. 

Đạo diễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sân khấu TPHCM, tâm tư: “Cách đây gần 10 năm, khi HĐND TPHCM đưa địa điểm 5B Võ Văn Tần vào quy hoạch để trở thành một trong những thiết chế văn hóa của thành phố, chúng tôi rất mừng và đặt nhiều hy vọng. Tuy nhiên, vì các chủ trương thay đổi liên tục, đến bây giờ, sau gần 2 nhiệm kỳ, cơ ngơi này vẫn chưa có gì thay đổi. Mỹ thuật cần có trung tâm triển lãm, điện ảnh cũng cần có rạp chiếu phim, sân khấu cũng vậy. Hơn thế nữa, sân khấu lại có quá nhiều loại hình: kịch nói, cải lương, hát bội... nên cần rất nhiều rạp hát phù hợp tính chất, đặc thù theo thể loại. Địa điểm 5B hiện là khu đất vàng, rất lý tưởng cho hoạt động của nhà hát kịch và thuận lợi để làm một trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Hy vọng thành phố nhanh chóng có chủ trương tháo gỡ”.

Tin cùng chuyên mục