Cấp thiết tìm giải pháp phân luồng học sinh

Từ khi Bộ GD-ĐT “mở đường” cho thí sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bằng xét tuyển điểm học bạ THPT thì trường nghề (trừ các trường CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm) của giáo dục nghề nghiệp thêm khó chồng khó. Thực trạng này khiến cho công tác phân luồng sau THPT và THCS càng trở nên mờ mịt.

Chỉ 10% học sinh chọn học nghề

Phân luồng sau THCS không phải là câu chuyện bây giờ mới đặt ra. Trước đây, đã có rất nhiều nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ GD-ĐT đề cập khá kỹ về phân luồng nhằm tạo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng vì thế, bài toán phân luồng sau THCS không còn là vấn đề của một địa phương mà đã trở thành vấn đề lớn trong cả hệ thống giáo dục, là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong nhiều năm học gần đây. 

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết: Hàng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nói chung được định hướng vào 4 luồng chính gồm: học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề (TCN); vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống.

Nhìn lại thực tế, TS Nguyễn Đức Nghĩa dẫn chứng: Từ năm 2016 trở về trước, hệ thống các trường TCCN đặt dưới sự quản lý của Bộ GD-ĐT, còn các trường TCN thuộc quản lý của Bộ LĐTB-XH.

Đến năm 2017, hệ TCCN được Bộ GD-ĐT chuyển giao cho Bộ LĐTB-XH quản lý. Khi đó, số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN chỉ vào khoảng hơn 10%.

Cấp thiết tìm giải pháp phân luồng học sinh ảnh 1 Học sinh học nghề trong giờ thực hành
Trong khi đó, số liệu từ Bộ LĐTB-XH cho thấy trong năm học 2015-2016, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCN và TCCN là 116.222 (khoảng gần 10%) và có đến vài chục trường TCCN không tuyển được học sinh.

Như vậy, dù lạc quan cách mấy thì trong 2 năm tới (năm 2020) cũng khó lòng đạt mục tiêu 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, phân tích thêm: Học nghề bao gồm hệ thống giáo dục chuyên nghiệp (các trường TCCN thuộc Bộ GD-ĐT) và hệ thống dạy nghề (các trường CĐ, TCN thuộc Bộ LĐTB-XH).

Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2017, quy mô TCCN có năm cao nhất lên đến 650.000 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được hơn 30.000 học sinh. Nếu tính trên tổng số 1,2  triệu học sinh THCS hàng năm thì tỷ lệ đó chỉ khoảng 2,4%, cộng thêm với số lượng học CĐ, TCN thì được khoảng 6% - 7%. 

Những mục tiêu khó 

Nhìn vào mục tiêu của Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2018-2025” (gọi tắt là đề án), TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: Những mục tiêu như phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, TC; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ…” là những con số không dễ đạt được với thực tế hiện nay. 

Tính riêng tại TPHCM trong năm 2017, có khoảng 70.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng số lượng vào học các trường TC, CĐ cũng chỉ khoảng gần 10%.

Năm 2018, có khoảng 87.000 học sinh thi vào lớp 10. Với tổng chỉ tiêu tại các trường THPT công lập là 65.000, thì có 22.000 học sinh không trúng tuyển sẽ được hàng trăm trường THPT ngoài công lập chào đón và rất nhiều trung tâm GDTX cũng sẵn sàng tiếp nhận.

Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng chắc chắn số lượng học sinh còn lại vào các trường TC là không nhiều. Chưa hết, cũng trong năm 2017, có 860.000 học sinh tốt nghiệp THPT thì chỉ có hơn 200.000 học sinh vào học CĐ, đạt hơn 20%, chưa bằng ½ chỉ tiêu trong đề án (45%). 

Để thực hiện mục tiêu của đề án, thời gian vừa qua Bộ LĐTB-XH đã nỗ lực rà soát, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Bộ đã giảm được 252 trung tâm dạy nghề các huyện, 35 trường CĐ công lập hoạt động không có hiệu quả.

Tới đây sẽ giảm tiếp những trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tình trạng tương tự. Cùng với đó là chuyển hẳn sang đào tạo theo định hướng và dự báo cung - cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, để làm tốt công tác phân luồng, đề án có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong GDPT.

Cả nước hiện có khoảng 12.000 trường THPT. Như vậy, để đáp ứng đòi hỏi thì từ nay đến 2020 phải nỗ lực đào tạo thêm 12.000 giáo viên hướng nghiệp.  

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, chúng ta cũng cần quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực học sinh chuẩn xác, từ đó đưa ra các khuyến cáo.

Trong đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường.

Tin cùng chuyên mục