Cắt bỏ trung gian để cứu người chăn nuôi heo

Mặc dù trong cuộc đối thoại vào ngày 24-4 do Bộ NN-PTNT tổ chức, các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thực phẩm đã cam kết tăng thu mua, dự trữ cấp đông thịt heo và giảm giá bán thức ăn chăn nuôi để chia sẻ rủi ro cho người chăn nuôi và các chủ trại, tuy nhiên đến ngày 27-4, Bộ NN-PTNT tiếp tục ra công văn số 3511 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai ngay hàng loạt giải pháp cấp bách để ổn định hoạt động chăn nuôi và bình ổn thị trường cung ứng thực phẩm.
Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo vận chuyển từ các lò giết mổ trước khi đưa vào chợ Ảnh: Cao Thăng
Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo vận chuyển từ các lò giết mổ trước khi đưa vào chợ Ảnh: Cao Thăng
Theo đó, Bộ NN-PTNT đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt heo, góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng cũng như dư luận xã hội bày tỏ bức xúc trước tình trạng giá thịt heo hơi rớt xuống chỉ còn 10.000-21.000 đồng/kg (tùy nơi) nhưng giá bán tại các siêu thị ở Hà Nội và TPHCM vẫn cao chót vót gần 100.000 đồng/kg là điều không thể chấp nhận, lời lãi đang rơi vào túi của đơn vị kinh doanh trong khi nông dân khóc ròng vì thua lỗ. Vì vậy, Bộ NN-PTNT chỉ đạo tăng cường quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi rà soát quy trình sản xuất, giảm giá bán phù hợp, chia sẻ với người nông dân. 

Về lâu dài, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết; trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi. Triển khai các giải pháp tổng thể nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương (xác định địa phương phải chủ động là chính kết hợp giải pháp liên kết trong vùng và liên vùng). Rà soát, thống kê chăn nuôi để có quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương; vừa đảm bảo ổn định thị trường vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi gắn với an toàn thực phẩm.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp (DN), người chăn nuôi tại Đồng Nai, địa phương có tổng đàn heo lớn nhất nước (với hơn 2 triệu con) để bàn giải pháp tìm đầu ra đối với đàn heo đang bị tồn ứ trong các trang trại.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, trước những khó khăn quá lớn của ngành chăn nuôi địa phương, sở đang kêu gọi các DN thu mua, giết mổ heo trên địa bàn hỗ trợ thu mua, chế biến để giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt; đồng thời kêu gọi các DN bán thức ăn chăn nuôi, ngân hàng kéo giãn nợ cho các trang trại.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, những giải pháp mà Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đưa ra chỉ mang tính tạm thời. Để phát triển đàn heo bền vững, Bộ NN-PTNT yêu cầu ngành nông nghiệp Đồng Nai phải sớm lập lại trật tự và quy hoạch lại tổng đàn, tránh để tình trạng mạnh ai nấy nuôi, khiến cung vượt cầu như hiện nay.  

Tin cùng chuyên mục