Câu chuyện cà phê ở Costa Rica

Người khởi xướng cà phê carbon trung tính
Câu chuyện cà phê ở Costa Rica

LTS: Là một trong số ít người trẻ tâm huyết với nông nghiệp thuận tự nhiên, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, Hằng Mai đã có nhiều chuyến đi để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Cô vừa tham dự Global Wellbeing Lab - do  Viện Presencing (Mỹ), Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc dân (Bhutan) và Học viện Lãnh đạo toàn cầu (CHLB  Đức) đồng tổ chức. Chương trình nhằm cung cấp cho các học viên tầm nhìn mới về phát triển, các vấn đề liên quan đến an sinh và đổi mới ngoài tầm GDP. Sau chuyến đi đến Costa Rica, cô đã có bài viết về những trải nghiệm mới mẻ với Báo SGGP.

Người khởi xướng cà phê carbon trung tính

Nếu chọn một nhân vật gây ấn tượng mạnh nhất trong chuyến đi này, tôi sẽ chọn ông Roberto Mata - một nông dân trồng cà phê ở Costa Rica đồng thời là Tổng giám đốc Hợp tác xã (HTX) cà phê Coopedota ở Santa Maria de Dota, San Jose, Costa Rica.

Trên đường đến đây, tôi mong đợi là sẽ thấy những vườn cà phê đẹp đẽ như những vườn tôi đã thấy dọc đường đi ngày hôm trước. Nhưng, tất cả còn hơn những gì mà tôi hình dung. Thật ngạc nhiên, những vườn cà phê ở đây đều nằm dưới bóng cây, hoàn toàn không cần đến thủy lợi, không tốn giọt nước nào trong suốt quá trình chăm sóc. Cây trồng làm bóng mát cho cà phê là cây phân xanh, mỗi năm tự rụng lá hai lần, lá cây cung cấp dinh dưỡng cho đất và phủ cho đất khỏi phải diệt cỏ. Ở đây, một nhân công có thể chăm sóc 5ha cà phê, khi vào mùa thu hoạch sẽ cần 5 nhân công/ha.

Vùng trồng cà phê nằm giữa khu vực bảo tồn rừng (87% diện tích vùng này là rừng bảo tồn) nên rừng cứ xanh và cà phê thì mọc đúng nơi quy hoạch, suối róc rách dưới chân đồi và không hề thấy một cọng rác. Một điều đặc biệt nữa là ở đây không chỉ có vườn cà phê mà còn có cả một chuỗi cung ứng cà phê hoàn chỉnh từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm và các hoạt động nuôi dưỡng, hỗ trợ cho chuỗi ấy, trong đó có cả quán cà phê Coopedota mà tháng 2-2013, Lonely Planet đã xếp hạng là một trong tốp 10 nơi đáng để uống cà phê trên thế giới.

Roberto Mata người nông dân có tầm và có tâm  nhất mà tôi từng gặp. Ông chính là người có ý tưởng về cà phê carbon trung tính (carbon neutral) đầu tiên của thế giới và đã tìm tòi, nghiên cứu rồi tự thực hành từ 18 năm trước. Lý do ông bắt đầu thực hành sản xuất bền vững rất đơn giản: “Trung Mỹ chỉ là một rẻo đất nhỏ xíu, một bên là Pacific, một bên là Caribbean. Chỉ cần biến đổi khí hậu, nước biển dâng lên là dải đất ấy sẽ bị xóa sổ. Con cháu chúng tôi sẽ không có chỗ để sinh sống”. Từ giữa những năm 90, Coopedota bắt đầu chương trình sản xuất bền vững nhằm cho ra đời cà phê chất lượng cao và có trách nhiệm với môi trường.

Roberto Mata, Tổng giám đốc Hợp tác xã cà phê Coopedota ở Santa Maria de Dota, San Jose, Costa Rica

Vào cuối năm 2010, ông đưa ra ý tưởng phổ biến cà phê carbon trung tính trong cuộc họp các xã viên. Đề xuất của ông ban đầu đã gây tranh cãi trong hội đồng quản trị, có người ủng hộ và cũng có người gièm pha. Để thuyết phục nông dân,  ông bảo: “Chẳng vội, cứ làm từ từ, đồng tiền biết nói. Nông dân thấy có lợi sẽ làm theo”.

Ông chia sẻ: “Lúc đầu tôi làm việc này chỉ vì môi trường, nhưng cuối cùng thì lại có cả lợi ích kinh tế. Cà phê thế giới giá chỉ 1,25USD/pound, còn cà phê carbon trung tính của hợp tác xã bán được 2,05USD/pound, cá biệt có thị trường bán được tới 2,75USD/pound”.

Sau 13 năm khởi xướng việc trồng cà phê carbon trung tính, tại COP17 năm 2011, Chính phủ Costa Rica đã đưa mô hình trồng cà phê của ông lên tầm quốc gia, đặt mục tiêu 50% nông dân trồng cà phê sẽ theo mô hình phát triển bền vững của ông.

Theo ông Ronald Peters, người đứng đầu Viện Cà phê Costa Rica (ICAFE): “Cần nhân rộng những nỗ lực của Coopedota. Với những thành tựu mà Coopedota đạt được, chúng tôi tin rằng cà phê là ngành công nghiệp có thể đóng góp nhiều hơn để tạo ra một nền kinh tế có lượng carbon thấp ở Costa Rica”. Ngành cà phê chiếm khoảng 10% lượng khí thải quốc gia ở Costa Rica vào năm 2005. Hầu hết các khí thải phát sinh từ việc sử dụng phân đạm.

Mỗi năm các HTX chi trả 6.000USD cho việc chứng nhận carbon trung tính. Đây là một chứng chỉ được quốc tế thừa nhận và có thể trao đổi trên thị trường. Theo kinh nghiệm của Coopedota thì việc tự tìm cách làm giảm khí thải như họ đang làm thì rẻ hơn là đi mua chứng chỉ carbon.

Những sáng tạo vì môi trường và tiết kiệm

Roberto Mata luôn nói ông chỉ là nông dân, nhưng ở cương vị  Tổng giám đốc HTX nên ông đã phải học làm quản lý. HTX của ông bây giờ tập hợp được hơn 800 nông dân, quản lý và vận hành cả chuỗi cung ứng từ vật tư đầu vào đến thành phẩm đầu ra.

Đón học sinh tham quan quy trình chế biến cà phê

Tính ông căn cơ, cái gì tái sử dụng được là tái sử dụng. Ông tâm sự, vì một số lý do, ông không thể hoàn tất việc học đại học của mình nên cuối cùng trường đại học của ông chính là “tiết kiệm mọi thứ ” và rằng “mình làm quản lý nên phải tính”. Triết lý ấy thể hiện rất rõ trong cách ông quản lý qua một loạt dự án thuộc chương trình sản xuất bền vững của HTX.

Xử lý nước thải: Năm 1994, nước thải từ việc chế biến cà phê của Costa Rica được thải ra sông, không qua xử lý. Điều này từng gây xáo trộn cộng đồng và Bộ Y tế Costa Rica đã vào cuộc, dẫn đến một cuộc đại tu quy trình. Hợp tác xã Coopedota đã thử nghiệm hệ thống ao oxy hóa (oxidation ponds) nhưng cách này tốn kém và gây mùi hôi. Sau đó, HTX đã nghiên cứu và sử dụng phương pháp phân hủy sinh học (bio-digester) để xử lý nước thải. Thiết bị này làm giảm đáng kể mùi hôi và xử lý nước hiệu quả, đồng thời lại sản xuất được các phụ phẩm như khí sinh học (biogas) và phân bón lỏng. Ngày nay, các bãi cỏ gần HTX được tưới 100% bằng nước thải đã qua xử lý, giúp ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm và sông ngòi.

Tiết kiệm năng lượng: Trong quá trình chế biến cà phê, các lò sấy tiêu thụ rất nhiều nhiên liệu, bất tiện cả về kinh tế và môi trường cho HTX và cộng đồng. Riêng năm 1998, HTX sử dụng khoảng 8.000m3 gỗ cho các lò sấy, số gỗ này lại phải chở từ xa đến vì xung quanh là khu bảo tồn rừng. Để tìm một nguồn năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy, HTX đã tìm ra giải pháp lò hơi sử dụng vỏ trấu cà phê làm nhiên liệu. Vỏ trấu cà phê là chất thải từ xay xát cà phê với khối lượng lớn trong mỗi vụ. Cách xử lý phổ biến nhất là đổ xuống sông hoặc để cho nó phân hủy, do đó gây mùi hôi. Sáng kiến sử dụng nguyên liệu có sẵn tại chỗ vừa tiết kiệm và không gây tổn hại đến môi trường.  Hiện nay, mỗi năm HTX chỉ sử dụng khoảng 800m3 gỗ, 95% nhiên liệu gỗ đã được thay thế bằng vỏ trấu cà phê và gỗ vụn, tự động hóa quá trình sấy khô và tăng hiệu quả tới 90%.

Năm 1998, cũng là năm mà Nghị định thư Kyoto được thông qua. Năm đó, HTX giảm 40% mức tiêu thụ năng lượng của xưởng chế biến và không xả nước thải ra sông nữa.

Compost: Vào cuối những năm 90, HTX gặp vấn đề nghiêm trọng về chất thải rắn hữu cơ tạo ra trong quá trình chế biến cà phê. Một lượng lớn chất thải này đã được tặng cho các xã viên để làm phân bón sinh học, nhưng do thiếu phương pháp xử lý mà các chất thải này gây ra một số vấn đề. Vì thế, HTX quyết định gom chất thải này và sản xuất phân trộn (compost) và phân trùn (vermicompost). Từ đó, mỗi vụ thu hoạch, HTX có thể sản xuất phân compost chất lượng cho các xã viên và thay thế phần nào phân đạm. Hiện nay, chất thải hữu cơ lại là một trong các vật tư mà HTX cung cấp cho xã viên với giá 2USD/kg.

Tiết kiệm nước: Chương trình tiết kiệm nước được HTX bắt đầu từ năm 2002. Sau khi đo lượng tiêu thụ và tái tuần hoàn (re-circulation) nước trong tất cả các quy trình, HTX tiết giảm được 80% lượng nước sạch sử dụng cho mỗi giạ (bushel, 1 giạ khoảng 254kg)  từ 1m3 nước mỗi giạ, nay chỉ còn cần 0,2m3. Chuyện này cũng giúp việc xử lý nước thải dễ dàng hơn.

Tiết kiệm điện: HTX đã giảm lượng tiêu thụ điện vào thời điểm thu hoạch. Cho đến năm 2004, phải cần đến 8kWh/giạ cà phê. Sau khi nghiên cứu quy trình và lắp đặt một bộ vi xử lý sử dụng khí sinh học từ bio-digester và thực hiện chương trình quản lý năng lượng, HTX đã giảm lượng điện tiêu hao đến 40%, xuống còn 3,3kWh/giạ.

Tái chế: Năm 2005, HTX bắt đầu chương trình tái chế trong nội bộ. Tất cả các chất thải tạo ra từ các hoạt động của HTX đều được xử lý. Để làm điều này, Coopedota, đã thảo thuận với chính quyền để xây dựng trung tâm tái chế đầu tiên trong khu vực. Trung tâm này không chỉ tái chế rác thải của HTX mà phục vụ cả cộng đồng bởi quận Dota là một trong trong số ít các quận trên toàn quốc bắt buộc tái chế rác thải. Hiện nay, ước tính 40% chất thải từ cộng đồng được tái chế và xử lý thích hợp.

Nhiên liệu thay thế: Từ năm 2005 đến nay, HTX đã phát triển các dự án nhiên liệu thay thế. Ví dụ việc sản xuất ethanol, dự kiến đạt sản lượng ít nhất150 lít/ngày. Sáng kiến này là một phần của những thay đổi và chuyển hóa của dự án xử lý nước thải đã làm trước đó theo phương pháp phân hủy sinh học. Trước khi nước thải chạy qua bio-digester, các loại đường được tách và chuyển qua một tháp chưng cất, do đó thu được ethanol (95% tinh khiết). Ethanol này được sử dụng trong hỗn hợp với các hydrocacbon khác sử dụng trong nội bộ HTX. Dự án mới nhất của HTX là khí hóa, dự kiến sẽ tạo 50kWh điện từ sinh khối được đốt trong quá trình sấy cà phê, do đó làm giảm chi phí điện hàng tháng và giảm phát khí thải nhà kính.

***

Chính phủ Costa Rica đã tuyên bố, đến năm 2021 vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày độc lập sẽ trở thành quốc gia carbon trung tính.

Coi trọng nguồn nhân lực

Coopedota không chỉ thiết lập chuỗi cung ứng khép kín và bền vững mà còn nuôi dưỡng tình yêu với nghề cà phê cho giới trẻ. HTX đón học sinh từ khắp nơi đến tham quan hàng ngày và giải thích cho chúng về cà phê. HTX còn có trường hướng nghiệp, chương trình 2 năm, đào tạo các nghề liên quan đến cà phê. Ông Roberto nói: “Để ngành cà phê phát triển bền vững, phải chuẩn bị nhân sự cho nó”. Michael Phillips, vô địch Barista thế giới năm 2010, được đào tạo tại Coopedota và sử dụng cà phê của chính HTX này trong suốt giải Barista thế giới ở London.

HẰNG MAI

Tin cùng chuyên mục