Câu chuyện chủ nhật: Có cần tiến sĩ nghệ thuật?

 
Còn nhớ, trong buổi làm việc với Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM vào cuối tháng 2, Bí thư Thành ủy thành phố khi đó - đồng chí Đinh La Thăng - đã đặt câu hỏi: “Các bộ môn khoa học cần tiến sĩ, nhưng nghệ thuật có nhất thiết cần tiến sĩ, hay từng khoa một phải có tiến sĩ? Có nhất thiết phải là tiến sĩ hát cải lương không?”. Cả khán phòng khi ấy chìm trong im lặng. 

Đến giờ, câu hỏi đó vẫn lơ lửng, vẫn là dấu hỏi to đùng khi hoạch định, thực thi chính sách xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn hóa bằng cấp, có tiến sĩ, có giáo sư thì cũng tốt, song cũng chỉ nên coi là điều kiện “cần” mà chưa “đủ” đối với một ngành mang tính đặc thù cao độ như nghệ thuật. Có ai đó than thở rằng đụng vào cái gì của nghệ thuật cũng thấy khó, thấy vậy mà không phải vậy, giống như sao ca nhạc thời nay cái gì cũng cần có, ngoại trừ… giọng ca. 

Sự thật là công tác đào tạo nghệ thuật đang quá rối, thiếu thầy, thiếu cơ sở vật chất, thiếu chương trình đào tạo chuẩn… và thiếu kinh phí. Trong cả trăm cái thiếu, đáng ngại nhất là thiếu hụt trầm trọng “cỗ máy cái” truyền lửa có tư duy lý luận và bề dày hoạt động sáng tác. Ở các nước khác, có sự tách bạch rõ ràng giữa thầy dạy lý thuyết và thầy dạy thực hành, nhưng ở ta thì khác: môn gì thầy cũng dạy được, lý luận cũng thông mà thực hành cũng giỏi. Ở xứ người, mỗi giáo sư, tiến sĩ chỉ biết sâu một ngành, ví dụ như chuyên sâu về kịch nghệ Shakespeare; còn ở ta thì rất nhiều vị thầy cái gì cũng… biết tuốt, giống như một bộ bách khoa toàn thư. Rốt cuộc, thầy nào trò ấy, thầy - biết - tuốt thì trò cũng biết - tuốt, và chỉ… không biết cụ thể mình học cái gì, biết cái gì. Một giảng viên về biên kịch kể về một chuyện đã từng gây hoang mang trong giới học thuật, khi có một thầy thẩm định tiểu luận - được mời thỉnh giảng từ một trường sư phạm có cùng mã ngành - đã chấm điểm cao cho học trò dù đó là bản copy một luận án khác và bản thân luận án này cũng sai về bản chất vấn đề bàn thảo. Được hỏi thì thầy này chỉ gãi đầu: tình thương mến thương mà. Cũng phải thương lũ học trò tội nghiệp. Chính cái tình thương “vạn cái lý không bằng tí cái tình” phảng phất trong môi trường học thuật đã làm triệt tiêu ý tưởng sáng tạo, làm hỏng cả một nền văn hóa hiếu học của dân tộc. 

  Cũng như các ngành khoa học khác, công tác đào tạo 7 bộ môn nghệ thuật đang rất cần cuộc đại phẫu để đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng. Sau khi đã “chuẩn hóa” quy trình đào tạo với tiêu chuẩn cứng là đội ngũ giảng viên hữu cơ đảm trách tối thiểu 70% khối lượng chương trình đào tạo, có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký…, thì từ năm ngoái, nhiều trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật đã mếu máo về nguy cơ phải dừng tuyển sinh vì nghệ thuật đâu phải khoa học chính xác để cân đong, đo đếm từng ấy thầy, từng ấy học hàm học vị. Rõ ràng, “tiến sĩ hóa” cũng chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề, chỉ là họa tiết trong bức tranh toàn cảnh, một thứ trang sức có cũng được mà không có cũng được khi đánh giá vẻ đẹp nghệ thuật. Quan trọng hơn - gốc của vấn đề - giảng dạy sáng tác là người phải có thực tiễn sáng tác, có kinh nghiệm, có tài năng chứ không chỉ là bằng cấp. Và đáng tiếc, đến nay chúng ta vẫn loay hoay tìm ánh sáng ở cuối đường hầm dù đường hầm đó không biết bao giờ mới kết thúc. Hiện tại, cuộc sống đã khác, nếu như trước đây chúng ta cứ coi những nguyên lý Stanhixlapski là bất di, bất dịch trong sân khấu, thì nay đã khác, đã có đủ thứ nghệ thuật trình diễn, từ hiện đại đến hậu hiện đại và hậu hậu của hiện đại. Trước đây chỉ có ngần ấy trường, trước sau muốn thành nghệ sĩ cũng phải qua trường ấy, thì nay - thời của “trăm hoa đua nở”, sinh viên có năng khiếu có toàn quyền lựa chọn trường theo học… nếu có đủ tiền đóng học phí. Có một thực tế là trước khi dự tuyển vào một ngành học, sinh viên thường hỏi dò trước rằng ai sẽ là thầy/cô chủ nhiệm lớp, nếu không phải là người làm nghề giỏi, người nổi tiếng trong giới mà chỉ có bằng cấp cao thì họ sẽ không thi, chờ thời có thầy đủ kinh nghiệm truyền nghề theo học dù thầy không bằng này, tước nọ.

  Bởi vậy, việc dung hòa giữa bằng cấp và chuyên môn thực, giữa lý thuyết và nghiên cứu là rất khó khăn, đòi hỏi thời gian chuyển tiếp. Các cơ quan hữu trách cũng có những động thái giải tỏa như không có tiến sĩ cải lương, tiến sĩ piano… thì có thể thay bằng tiến sĩ chuyên ngành gần, nhưng thật khó định lượng gần xa. Và tất nhiên không có tiến sĩ, giáo sư nghệ thuật học thì cũng có thể thay bằng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhưng số này cũng hạn chế về số lượng và… tuổi tác. Thêm nữa, thù lao cho người có bằng cấp và người cũng có bằng cấp nhưng cấp thấp hơn, lại chênh lệch rõ rệt. Có bằng tiến sĩ nhưng dạy học sinh không hiểu thường có thù lao gấp đôi so với thạc sĩ giảng dạy giỏi hơn và cử nhân lại thấp nữa dù truyền nghề giỏi hơn thạc sĩ! Vẫn cứ cái vòng luẩn quẩn, nghịch lý: nghệ sĩ là nghệ sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ, rất khó để nghệ sĩ kiêm luôn tiến sĩ…

Tin cùng chuyên mục