Câu chuyện của bóng đá nữ

Những hình ảnh không đẹp tại Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2018 vừa qua khiến nhiều người cảm thấy sốc.

Người bi quan thì cho rằng, tình trạng bạo lực sân cỏ của bóng đá Việt đã “lây lan” sang bóng đá nữ, nhưng đa số thì lại nhìn sự việc theo một cách ôn hòa hơn. Có lẽ vì thế mà dù tính chất cũng như quy mô khá nghiêm trọng, sự việc cũng nhanh chóng bị quên đi, như sự “lãng quên” đã trở thành quá đỗi bình thường của bóng đá nữ từ bấy lâu nay.

Có một sự thật: Nếu không có sự cố không đẹp ấy, có lẽ cũng chẳng ai biết giải vô địch bóng đá nữ Việt Nam vừa kết thúc sau 2 lượt trận đi - về suốt từ tháng 5 đến nay. Dù đã được ưu ái truyền hình trực tiếp nhiều trận đấu, tổ chức nhiều chương trình bên lề đồng hành để tạo sự kết nối thì các khán đài vẫn cứ trống vắng. Thực tế đó đã diễn ra suốt nhiều năm qua, không có dấu hiệu nào thay đổi. Vụ việc cầu thủ nữ đánh nhau rồi cũng không thấy ai nhắc đến. Không bị cộng đồng phán xét nặng nề như bóng đá nam, cũng là điều may cho bóng đá nữ, nhưng ngẫm ra thì lại thấy buồn hơn.

Bởi hãy tưởng tượng đến chuyện các cầu thủ nữ thi đấu quanh năm suốt tháng phải đá trong những sân vận động trống vắng, chỉ biết tự mình cổ vũ mình, thì tâm lý sẽ chịu ảnh hưởng nhiều thế nào. Sức chịu đựng của cầu thủ thật lớn lao. Từ chỗ thi đấu để phục vụ khán giả, các cô gái lại phải động viên nhau nỗ lực. Ở mùa bóng vừa kết thúc, đội Phong Phú Hà Nam lần đầu tiên trong lịch sử đoạt chức vô địch, nhưng chia sẻ niềm vui ấy có lẽ cũng chỉ đồng đội với nhau, hay thậm chí là chính các đối thủ còn… vui lây cho họ. Sự kiện gần nhất khiến người hâm mộ biết đến tên tuổi đội bóng này đã cách đây đến… 15 năm, khi Văn Thị Thanh đoạt Quả bóng vàng Việt Nam 2003. Trong chừng ấy năm, trải qua đến 3 thế hệ cầu thủ, vượt qua biết bao khó khăn của đời sống, họ mới có được thành quả, mà suýt nữa, nếu không có sự cố diễn ra vài ngày trước đó, thì chắc cũng chẳng ai quan tâm.  

Về lý thuyết, việc phát triển bóng đá nữ có ý nghĩa rất lớn trên nhiều phương diện. Với thể thao, đó là sự công bằng, tạo động lực cho phát triển thể chất, phong trào. Về khía cạnh xã hội, là thông điệp chân thực của bình đẳng giới. Về cuộc sống, đá bóng cũng là một nghề nghiệp tốt nhất là với các cô gái ở các vùng quê xa. Chính từ những ý nghĩa hết sức nhân văn ấy mà ngay từ đầu, giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đã nỗ lực để đưa thêm hạng mục dành cho nữ vào, tăng số lượng các giải thưởng và cuối cùng, là cân bằng số tiền thưởng so với bóng đá nam.

Đó là cách để cộng đồng ghi nhận và ủng hộ cho các cô gái đá bóng. Kết quả của việc phát triển bóng đá nữ cũng hết sức tốt đẹp, khi đội tuyển nữ Việt Nam giành nhiều HCV SEA Games hơn bất kỳ môn thể thao tập thể nào của Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Bóng đá nữ cũng luôn nằm trong tốp 6 của châu Á, điều mà không phải lĩnh vực nào cũng có được.

Thế nhưng, như đã nói, ngay cả một sự cố nghiêm trọng của bóng đá nữ, dường như cũng không khiến nhiều người quan tâm. Chúng ta đang cố gắng duy trì một điều tốt đẹp, nhưng thực ra lại không có đủ sự quyết liệt, lòng nhiệt tâm để tìm giải pháp phát triển bóng đá nữ một cách tốt hơn. Giải vô địch bóng đá nữ đã tồn tại suốt 2 thập niên qua nhưng số lượng đội bóng, cầu thủ hầu như không thay đổi. Điều này rõ ràng là không công bằng đối với những cống hiến của nhiều thế hệ nữ cầu thủ đã vượt qua khó khăn để giữ đam mê cho đàn em, chờ đợi sự thay đổi nào đó trong tương lai của nghiệp dĩ trót đeo vào mình.

Tin cùng chuyên mục