Câu chuyện nghề cá và nhà khoa học

Chỉ trong vòng 10 năm, sản lượng cá tra và cá ba sa nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên gấp 5 lần. Song hành cùng thành quả này là vai trò nổi bật của các nhà khoa học tại các trung tâm nghiên cứu, trong việc sản xuất giống, nâng cao sản lượng và chất lượng cá.
Câu chuyện nghề cá và nhà khoa học

Chỉ trong vòng 10 năm, sản lượng cá tra và cá ba sa nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên gấp 5 lần. Song hành cùng thành quả này là vai trò nổi bật của các nhà khoa học tại các trung tâm nghiên cứu, trong việc sản xuất giống, nâng cao sản lượng và chất lượng cá.

Con giống - bài toán khó được giải

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có truyền thống nuôi cá tra và cá ba sa từ lâu, mang lại giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, diện tích nuôi những loài cá này phát triển mạnh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Câu chuyện nghề cá và nhà khoa học ảnh 1
Nhân giống nhân tạo cho cá basa.

Cách đây hơn 10 năm, người dân nhiều tỉnh nuôi cá tra, cá ba sa thương phẩm ở ĐBSCL vẫn lệ thuộc vào chất lượng và số lượng con giống đánh bắt tự nhiên. Đó là khó khăn và rào cản lớn để mở rộng quy mô sản xuất.

Khi Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh An Giang - một trong những tỉnh có quy mô nuôi cá tra, ba sa lớn nhất nước - triển khai nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loài cá này vào năm 1993, đã hé mở hy vọng chủ động trong con giống. Năm 1995, những con giống sinh sản nhân tạo đầu tiên đã ra đời. Thành tựu của công trình nghiên cứu này mở ra một trang mới cho nghề nuôi cá tra, ba sa không chỉ ở An Giang mà cả ở các tỉnh khác như Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp.

Trước khi có con giống nhân tạo, sản lượng nuôi cá tra, ba sa còn chưa đáng kể (35.060 tấn năm 1995) thì đến năm 2005 đã lên đến 145.510 tấn, năm 2006 là 161.178 tấn và sẽ không ngừng tăng lên trong các năm tiếp theo.

Xác định con giống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tất cả các khâu sản xuất, ngành thủy sản các tỉnh này đã tiếp tục “đặt hàng” nghiên cứu để cải thiện chất lượng con giống, đảm bảo hiệu quả sản xuất. Vì vậy, từ năm 2000, các tỉnh ĐBSCL đã sản xuất khoảng 1 tỷ con cá tra, ba sa giống và đến năm 2006, đạt hơn 5 tỷ con.

Từ chủ động con giống, ngành KH-CN các tỉnh ĐBSCL đã liên kết nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi nhằm tận dụng diện tích, nâng cao sản lượng như nuôi bè, nuôi ao, nuôi đăng quầng. Những hình thức nuôi này đã được phát triển nhân rộng và thích hợp cho nhiều địa phương. Nhờ vậy, số hộ nuôi không ngừng tăng lên, sản lượng cũng được cải thiện.

Nghiên cứu giúp tăng sản lượng cá

Đồng hành cùng sự phát triển trên, nhiều nghiên cứu khoa học như “Nghiên cứu bệnh cá Pangasius spp nuôi bè tại An Giang” (2001 – 2002), “Thực nghiệm nuôi cá tra thịt trắng trong ao, hồ” (2000 – 2001)… của các đơn vị KH-CN ở ĐBSCL cũng đã có tác động hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao sản lượng, chất lượng nuôi của ngư dân.

Đáng ghi nhận là Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản An Giang, đơn vị đầu tiên trong ngành sản xuất giống cá tra, ba sa ở ĐBSCL được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về quy trình sản xuất các loài cá này, bởi những nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như cách thức tổ chức sản xuất nâng cao chất lượng, sản lượng.

Để nâng cao chất lượng cá tra, cá ba sa, thời gian qua đã có nhiều cá nhân, đơn vị như trường đại học, viện nghiên cứu, công ty thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, chuyển giao. Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 và một số đơn vị đã có các đề tài nghiên cứu về nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ và cho đẻ nhân tạo cá ba sa; nghiên cứu vaccine phòng bệnh nhiễm khuẩn cho cá tra, ba sa; chọn giống cá tra nhằm tăng tỷ lệ phi lê bằng phương pháp chọn lọc gia đình; thử nghiệm mô hình nuôi cá tra thương phẩm phục vụ xuất khẩu và hạn chế ô nhiễm môi trường; nghiên cứu và sản xuất máy phi lê cá ba sa để thay thế cho phương pháp thủ công… Riêng cá nhân, điển hình là ông Nguyễn Văn Thọ (Châu Đốc, An Giang) đã không ngừng sáng tạo trong việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào nuôi, chế biến cá tra, cá ba sa và sản xuất bình quân 5.000 tấn cá ba sa/năm. Ông đã mày mò chế tạo và ứng dụng máy ép viên thức ăn cho cá, sáng kiến ra chảo quay nấu cám, cho cá sinh sản nhân tạo…

Vẫn là chuyện của vệ sinh môi trường

Từ khi mở rộng xuất khẩu, cá tra, cá ba sa tìm được thị trường thì nghề nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL ngày một phát triển. Tuy nhiên, nghề nuôi cá tra, ba sa đang đối mặt với nhiều khó khăn về con giống, dịch bệnh, thủy lợi, quy hoạch.

Thực tế trong phát triển nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL những năm qua cho thấy, dịch bệnh đối với đối tượng nuôi này tăng nhanh. Nguyên nhân là do hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi cá chưa bảo đảm. Theo thạc sĩ Trần Minh Lâm (Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản), nuôi cá tra, ba sa cần rất nhiều nước và phải thường xuyên thay đổi nước trong ao nuôi do khả năng lây nhiễm dịch bệnh đối với cá nuôi là rất lớn. Ngoài ra, các yếu tố như nuôi cá với mật độ quá cao, lượng thức ăn cho cá quá nhiều cũng làm ô nhiễm nguồn nước. Tại vùng ĐBSCL, do nguồn nước phục vụ nuôi cá chủ yếu dựa vào các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, cho nên các cống thường được thiết kế cao trình đáy cao hơn đáy kênh. Vì vậy, việc thoát nước ra sông lớn bị hạn chế, dẫn đến chất ô nhiễm đọng lại đáy kênh, làm tăng ô nhiễm vùng nuôi cá tra, ba sa. Mặt khác, mặc dù sản xuất giống cá tra và ba sa đã được xã hội hóa, nhưng phát triển còn mang tính tự phát nên vẫn xảy ra tình trạng một số cơ sở cho cá bố mẹ đẻ ép hoặc đẻ nhiều lần, cho chất lượng cá giống kém.
Từ những hạn chế về chất lượng cá giống, hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi chưa bảo đảm dẫn đến tình trạng cá tra, ba sa bị chết ngày càng tăng.

Chính vì vậy, mặc dù những năm qua, thành quả từ nuôi cá tra, ba sa mang lại đáng kể về giá trị kinh tế nhưng người nuôi vẫn luôn lo âu bởi nguy cơ ô nhiễm, lây lan nguồn bệnh ở cá vẫn tiềm ẩn. Vì vậy, cần tích cực đầu tư nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm cải thiện con giống, thủy lợi, môi trường nước để phát triển bền vững vùng nuôi cá tra, cá ba sa là cần thiết.

Theo kết quả điều tra của Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2), trong hai năm (2005 - 2006), tại các khu vực nuôi cá tra, ba sa tập trung như Châu Đốc (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Thốt Nốt (Cần Thơ), thị xã Vĩnh Long và huyện Long Hồ (Vĩnh Long), cá nuôi ao, bè thường nhiễm bệnh vào các tháng 5 và 7. Thời điểm này, môi trường nước trong ao nuôi rất xấu do ảnh hưởng của lũ đổ về mang nhiều chất thải lẫn mầm bệnh. Cá thường bị nhiễm các bệnh vàng thân, vàng da, bệnh gan, thận mũ, xuất huyết, đốm đỏ. Kết quả điều tra tại ao nuôi của 65 hộ nuôi cá tra, ba sa có 100% số ao tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, 80% số ao ở An Giang bị nhiễm bệnh.

Hân Ngọc

Tin cùng chuyên mục