Cây cọc niềm tin

Thông tin Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện có khả năng trở thành ứng cử viên Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), rồi sau đó là đề cử chính thức dành cho thứ trưởng của bộ này, ông Lê Khánh Hải, đã được đón nhận với 2 thái độ khác nhau. Đầu tiên là sự an tâm. Bởi động thái này cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến nền bóng đá, như những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc bộ trưởng phải tham gia dù là trực tiếp như một ứng cử viên hay gián tiếp như đề cử Thứ trưởng Lê Khánh Hải sang lãnh đạo VFF thì chắc chắn là biểu hiện cho sự bất ổn trên thượng tầng bóng đá Việt Nam.
 
Điều đáng nói ở đây là VFF vừa trải qua một nhiệm kỳ có chủ tịch là doanh nhân, không phải là “người Nhà nước” như 6 nhiệm kỳ trước đó. Khi ông Lê Hùng Dũng thắng cử nhiệm kỳ 7, dư luận cho rằng đó là sự thay đổi rất quan trọng về mặt bản chất hoạt động của VFF, lại phù hợp với xu thế toàn cầu. Vậy nhưng, khi chưa hề có một tổng kết nào để chỉ ra thành công hay thất bại của sự thay đổi ấy, thì lại quay về với cách vận hành cũ, đồng nghĩa với việc VFF có thể chỉ là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý Nhà nước, như đã từng diễn ra trước đây.

Cũng có một cách nghĩ khác: sự hiện diện của một lãnh đạo chính quyền ở một tổ chức xã hội chính là thừa nhận VFF đã đánh mất hoàn toàn niềm tin của xã hội. Người ta không quan tâm đến các ứng cử viên là ai, năng lực ra sao, thay vào đó họ chỉ hy vọng vào động thái từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, nơi có thể quy được trách nhiệm. Cử ai sang VFF không quan trọng, cái chính là thể hiện được sự quan tâm của Chính phủ với bóng đá. Tạm gọi, đó là “cây cọc của niềm tin”. Để hiểu rõ hơn, hãy nhìn đến đội tuyển Olympic mà vẫn đang được gọi là U.23 Việt Nam hiện thi đấu tại giải Tứ hùng ở Hà Nội, một bước chuẩn bị cho ASIAD 18. Sự căng thẳng đang tăng lên hàng ngày ở đội bóng trẻ này, kể từ khi tập trung 2 tuần trước. Mọi động thái của họ đều bị “soi”. Ngay cả việc HLV Park Hang-seo chọn tiền đạo giàu kinh nghiệm Văn Quyết làm đội trưởng, một điều rất bình thường, vẫn bị “ném đá”. Đã có các thông tin đáng lo ngại, đó là nhiều cầu thủ đang bị căng cứng về tâm lý vì sợ bị loại khỏi danh sách 20 người đến ASIAD kỳ này. Chưa bao giờ việc “lên tuyển” lại mang nhiều vinh dự mà cũng đầy áp lực như hiện nay. Người được chọn thì sẽ phải “gồng mình” thể hiện, kẻ bị loại thì có thể nhận không ít sự chê bai.

Có lẽ cũng cần phải nhắc lại: đây chỉ là một đội tuyển U.23+. Về lý thuyết, họ còn trẻ nhưng thứ áp lực mà họ đang đối diện quá lớn. Nguyên nhân chính nằm ở việc người khác đang sử dụng họ theo kiểu vắt kiệt mọi năng lượng từ thể chất đến tinh thần. Một nguyên nhân khác, đó là không có sự chia sẻ nào đến từ những thành phần khác của nền bóng đá. Người ta chỉ tập trung mọi hy vọng vào lứa U.23, kể cả việc đưa thẳng họ lên đội tuyển quốc gia. Đó là một “cây cọc niềm tin” nữa. Liên kết 2 sự kiện bầu cử tại VFF và đội tuyển U.23, chúng ta sẽ thấy hoàn cảnh yếu ớt của bóng đá Việt Nam hiện tại. Trên thượng tầng, nhiều khả năng dàn lãnh đạo cao nhất của VFF khóa tới chỉ toàn “người Nhà nước”, tính xã hội trong tổ chức này gần như không còn. Ở hạ tầng, nền bóng đá nước nhà hy vọng vào một đội tuyển trẻ chơi sân quốc tế thay vì phải tập trung cho giải vô địch quốc gia và hệ thống CLB chuyên nghiệp. Chúng ta đang bám víu vào những “cây cọc” như thể đang bị trôi giữa dòng, mất hoàn toàn phương hướng. Chúng ta buộc phải chờ đợi một cá nhân chủ tịch, cũng như một nhóm vài chục cầu thủ trẻ. Tất nhiên, mọi thứ có thể sẽ tốt, nhưng thật khó mà tin rằng cả một nền bóng đá sẽ phát triển nhanh, đồng bộ và bền vững chỉ nhờ 1-2 “cây cọc niềm tin” như vậy.

Điều đáng lo hơn, đó là hoàn toàn chưa ai đặt câu hỏi: Nếu những “cây cọc niềm tin” ấy không thành công thì sao?

Tin cùng chuyên mục