Cây thoát nghèo ở xã anh hùng

Xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa được biết đến là cái nôi cách mạng của tỉnh Khánh Hòa. Tiếp nối truyền thống tự hào đó, người dân nơi đây đang từng ngày viết tiếp trang sử đẹp trên con đường đổi mới.
Những ruộng tỏi xanh tốt trên đất Ninh Phước
Những ruộng tỏi xanh tốt trên đất Ninh Phước
Phủ xanh miền cát trắng

Diện mạo trên quê hương anh hùng đang thay đổi mỗi ngày, đường sá được bêtông hóa khang trang, nhà cao tầng mọc lên san sát. Thoạt nhìn, Ninh Phước chẳng khác gì những thị trấn sầm uất ven chân sóng. Từ đầu thôn đến cuối ngõ, trên gương mặt những người nông dân nơi đây hiện rõ sự phấn chấn sau vụ mùa thu hoạch tỏi bội thu. Không còn cảnh xách từng can nước đi tưới từng bụi tỏi, thay vào đó người nông dân giờ chỉ một cái gạt tay thì nước tưới tự động đến từng chân ruộng tỏi. Từ khi cây tỏi bén duyên, một màu xanh đã phủ đầy dải cát trắng ven biển vốn cằn cỗi xưa nay. Tỏi Ninh Phước trở thành cây trồng chủ lực, cây thoát nghèo trên quê hương Ninh Phước anh hùng. Ông Nguyễn Mười, một hộ nông trồng tỏi thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước phấn chấn cho biết, gia đình ông vừa bán hết số tỏi đã thu hoạch vụ này, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông lãi hơn 300 triệu đồng với chỉ hơn 5 sào trồng tỏi. Phấn chấn, ông Mười dự định sẽ “lên đời” căn nhà cấp 4 cũ kỹ thành 2 tầng khang trang.

Từ chỗ chỉ biết đến với một Ninh Phước chuyên nghề chài lưới, cuộc sống cứ bấp bênh như những con sóng, thì nay Ninh Phước đã chuyển mình, có những người nông dân trở thành tỷ phú từ vùng chuyên canh cây tỏi. Anh Nguyễn Thế Cường, được biết đến là một người trẻ tuổi thành công với nghề tỏi tâm sự, hơn 15 năm theo nghề đi biển, nhưng cuộc sống của gia đình vẫn túng khó nên hơn 3 năm nay, anh quyết định chuyển sang nghề trồng tỏi và cuộc sống đã sang trang. Với số vốn khởi nghiệp ít ỏi từ hơn 10 triệu đồng, nay anh đã có cơ nghiệp gần 8 sào trồng tỏi, vụ mùa vừa qua mang về cho anh khoản lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng. 

Tỏi ở Ninh Phước có năng suất và chất lượng không thua kém gì tỏi ở Lý Sơn, bởi thổ nhưỡng có nét tương đồng. Theo ông Phan Phùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phước, trừ chi phí, nông dân trồng tỏi của xã lãi khoảng 20-30 triệu đồng/sào. Năm nay, phần lớn diện tích tỏi ở địa phương đều sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là ít sâu bệnh hơn mọi năm nên cho sản lượng thu hoạch cao, có hộ đạt 11-12 tấn/ha. “Vụ tỏi này toàn xã ai cũng có lãi, thậm chí có hộ lãi ròng gần cả tỷ đồng. Thương hiệu tỏi Khánh Hòa ngày càng có nhiều người biết đến hơn, nên chuyện bán buôn dễ dàng hơn trước rất nhiều và không còn cảnh thương lái ép giá”, ông Phùng tự hào nói. 

Xã tỷ phú miền biển 

Nói đến tỏi, người ta thường nói đến tỏi ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng rồi, thời gian trôi đi, đất chật, người đông, nhận thấy những khó khăn của nghề tỏi, nhiều người con Lý Sơn đi tìm vận hội mới ở những vùng cát ven biển miền Trung, trong đó có anh Võ Ái Nhân - một người có công lớn đưa tỏi Lý Sơn bén duyên vào Ninh Phước. Anh Nhân kể, năm 1994, anh vác ba lô trên vai đi dọc biển miền Trung từ Quảng Bình đến Vũng Tàu. Sau hơn 1 năm lăn lộn, đi đến không biết bao nhiêu bãi biển có cát để tìm nơi làm tỏi nhưng đều không kiếm đâu ra nơi có cát vôi - loại cát thích hợp nhất mà người Lý Sơn đang trồng tỏi. Mãi đến một ngày cuối năm 1995, trên đường từ Vũng Tàu trở ra, may thay anh ghé đến xã miền biển Ninh Phước và nhận ra đó là vùng đất rất tốt để trồng tỏi. “Ngày đặt chân đến Ninh Phước, lộ ra trước mắt tôi là cả một cánh đồng cát vôi phẳng lì. Tôi bốc từng nắm cát lên như vui sướng đến tột cùng. Tôi biết rằng, thành quả 2 năm rong ruổi nay đã có chốn dừng chân và muốn biến nơi đây thành một Lý Sơn thứ hai”, anh Nhân vui sướng kể lại.

Sau khi tìm được đồng cát ưng ý, năm 1996, anh Nhân đưa gia đình vào lập nghiệp ở Ninh Phước, bắt đầu trồng thử nghiệm gần nửa hécta tỏi. Sau một thời gian, công không phụ lòng người, ruộng tỏi gia đình anh xanh ngắt giữa một vùng cát khô cằn. Vợ chồng anh Nhân thu hoạch hàng tấn củ tỏi trắng phau, thơm, cay dịu không thua gì tỏi ở đảo Lý Sơn. Thành công ngoài mong đợi, anh Nhân mở rộng diện tích trồng tỏi lên 1,5ha, thu lãi hàng trăm triệu đồng/vụ. Sau khi thành công, anh Nhân chia sẻ kinh nghiệm với bà con Ninh Phước làm theo. 

Chỉ trong vòng 3 năm sau, diện tích tỏi của Ninh Phước từ một vài hécta đã lên đến 50ha. Đến nay, Ninh Phước có hơn 130ha ruộng tỏi cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng cái quý hơn là Ninh Phước dần hình một làng nghề điển hình có một không hai tại Khánh Hòa. Nếu như trồng một thửa ruộng tỏi ở đảo Lý Sơn cần đến hai người quằn vai xách nước tưới hoặc vừa kéo dây, vừa tưới nước, bón phân, thì đồng tỏi ở Ninh Phước bây giờ đều công nghiệp hóa nước tưới bằng hệ thống phun sương thay cho sức người. Trồng tỏi công nghiệp với vốn đầu tư rất cao, từ 500-700 triệu đồng/ha, nhưng bù lại nhờ thuận lợi có điện, nước đầy đủ nên phun tưới thoải mái. Vậy nên quanh năm cây tỏi đều xanh tốt, hiệu quả cao. Ninh Phước không chỉ là xã anh hùng, mà nay mai còn biết đến là xã tỷ phú miền biển.

Tin cùng chuyên mục