Chăm bồi tài năng văn học

Khơi dậy tình yêu văn học
Chăm bồi tài năng văn học

Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” do Báo SGGP phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM và Sở GD-ĐT 13 tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức, với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential đã trải qua một chặng đường dài (15 năm tại TPHCM và 11 năm tại ĐBSCL). “Prudential - Văn hay chữ tốt” đã trở thành “sân chơi văn chương” có dấu ấn riêng của Báo SGGP, luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của lãnh đạo và ngành giáo dục các địa phương.

Các học sinh tỉnh Đồng Tháp đoạt giải cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” năm 2007. Ảnh: MAI HẢI

Khơi dậy tình yêu văn học

Vào khoảng tháng 10-2000, Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM đã cùng ngồi lại bàn việc tổ chức một cuộc thi văn học với mục đích khôi phục lại niềm say mê học văn trong nhà trường phổ thông. Thời điểm này, qua thống kê của Sở GD-ĐT thành phố, phần lớn học sinh trong các trường trung học đều không hứng thú mấy với việc học văn, dẫn đến kết quả học tập môn này không như ý muốn. Nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đã rất ngán ngại thi vào đại học các khối có môn Văn là môn thi bắt buộc. Thực tế này dẫn đến hệ quả đáng lo: nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng vẫn chưa viết đúng chính tả; chưa phân biệt thành thạo thế nào là câu đơn, câu kép, câu phức hợp... Trước thực tế này, Báo SGGP đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi với tên gọi “Văn hay chữ tốt”. Sau đó, để ghi nhận cụ thể tấm lòng của nhà tài trợ, cuộc thi chính thức mang tên: Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt”.

Sau 3 lần tổ chức tại TPHCM, số thí sinh tham gia cuộc thi tăng lên bất ngờ khi có đến trên 60.000 thí sinh ở 100% trường THCS trên địa bàn thành phố tham gia. Năm 2004, cuộc thi chính thức mở rộng đến một số tỉnh, thành ĐBSCL và từng bước khẳng định sức lan tỏa và ngày càng phát triển của mình. Sau 11 năm duy trì bền bĩ, theo thống kê của ban tổ chức, tại ĐBSCL, mỗi năm có khoảng 300.000 học sinh ở 13 tỉnh thành trong khu vực tham gia.

Theo thầy Nguyễn Quý Đôn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, sau 11 năm mở rộng ở ĐBSCL cuộc thi được ngành giáo dục các địa phương đánh giá cao và rất ủng hộ. Đây là sân chơi rất bổ ích, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có động lực tốt trong việc trau dồi khả năng dạy học môn Văn, giúp các em có điều kiện rèn luyện thêm chữ viết”. Đồng quan điểm, thầy Trần Văn Tú, Chuyên viên giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Kiên Giang, nói: “Ban tổ chức có ý tưởng tinh tế khi tổ chức cuộc thi này, có sức lan tỏa ngày càng lớn, đến tận các địa phương vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo… Thật sự, ngành giáo dục Kiên Giang rất tâm đắc với cuộc thi này”.

PGS-TS Nguyễn Thành Thi, Trưởng Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TPHCM, đồng Chủ tịch Hội đồng giám khảo cấp khu vực ĐBSCL, khẳng định: “Tôi rất tự hào khi đã gắn kết, đồng hành cùng Báo SGGP, cùng cuộc thi này ngay từ những năm đầu tiên Prudential hoạt động ở Việt Nam. Cuộc thi thật sự tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của các em; hướng đến mục tiêu đào tạo thế hệ thanh thiếu niên sống có ích cho xã hội”. PGS-TS Nguyễn Thành Thi tâm sự: Đề thi thường yêu cầu viết trải nghiệm trong đời sống xã hội, vận dụng văn chương, ngôn từ… tạo thành bài văn dự thi. Việc giáo dục là phải phát triển năng lực cho người học, cuộc thi này chú trọng phát triển kỹ năng viết cho các em. Nguyên tắc đặc biệt khi chấm phải coi trọng kỹ năng, năng lực viết và sự trải nghiệm của từng em. Do vậy, khó có việc chép bài văn mẫu mà đoạt giải.

Nâng tầm từ thực tiễn

Suốt thời gian qua, cuộc thi đã thể hiện ý nghĩa tốt đẹp, sức sống mạnh mẽ, được ngành giáo dục các địa phương quan tâm. Đặc biệt, một số tỉnh, thành trong vùng đã và đang chính thức công nhận kết quả cuộc thi nằm trong hệ thống giải thưởng của ngành. Bà Thái Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau), cho biết: “Cà Mau đã thực hiện việc nâng tầm giải thưởng rồi, có chính sách hẳn hoi. Theo đó, những thí sinh giỏi đoạt giải “Văn hay chữ tốt” cấp tỉnh được tuyển thẳng vào lớp 10. Giải thưởng của cuộc thi được công nhận là giải thưởng học sinh giỏi văn cấp tỉnh”. Tại TP Cần Thơ, Sở GD-ĐT cũng đã công nhận giải thưởng cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” là giải chính thức, công nhận học sinh giỏi văn cấp thành phố và ưu tiên cộng điểm trong học tập, thi cử cho các em đoạt giải cuộc thi này. Ngoài ra, ngành giáo dục còn cấp “bằng” chứng nhận cho những em đoạt giải cấp thành phố được cử tham gia vòng chung kết khu vực ĐBSCL, để ghi nhận những nỗ lực vượt bật của các em.

Trong khi đó, xác định cuộc thi có ý nghĩa lớn trong việc lựa chon, phát hiện nguồn lực văn học từ thực tiễn, cần chăm bồi, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp đang đề nghị UBND tỉnh công nhận giải thưởng của cuộc thi là giải cấp tỉnh và hỗ trợ thêm kinh phí khen thưởng cho các em đoạt giải cao trong cuộc thi này. Đồng thời kiến nghị ban tổ chức nên tập hợp các bài thi hay, đoạt giải, xúc động đóng lành cuốn hoặc in thành sách chuyển tải về cho ngành giáo dục các địa phương nhằm phổ biến cho các em học sinh tìm hiểu, tham khảo, rút kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng học, rèn luyện môn văn và cả nhân cách sống…

Theo ông Wilf Blackburn, Tổng Giám đốc Công ty BHNT Prudential, kiêm Chủ tịch Quỹ Prudence, tại Prudential: “Chúng tôi có nhiều chương trình hoạt động xã hội khác nhau nhưng giáo dục vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu vì chúng tôi tin rằng giáo dục mang lại tác động lâu bền nhất đến tương lai của đất nước. “Prudential - Văn hay chữ tốt” là một trong những chương trình đó. Hàng năm, cuộc thi đã thu hút hàng trăm ngàn thí sinh tham dự cùng với sự ủng hộ hết mình của các bậc phụ huynh. Chúng tôi tự hào khi biết nhiều em đã trưởng thành từ cuộc thi và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Sự tham gia, hỗ trợ và thành công của các em đã giúp cuộc thi này thành công rực rỡ”.

HÀM LUÔNG - BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục