Chậm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho lao động nghỉ việc: Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Một số lao động nghỉ việc gởi đơn đến Báo SGGP phản ánh thực tế bị hành khi làm hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong  trường hợp người lao động đã đóng BHTN nhưng chủ sử dụng lao động chưa chốt sổ, hoặc đang  nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), BHTN  thì  quyền lợi của họ được giải quyết như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐTB-XH TPHCM trả lời:
Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, ngày 12-12-2008 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN thì người lao động được quyền nhận lại sổ BHXH khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, trong trường hợp người lao động nghỉ việc, công ty có trách nhiệm phải tiến hành làm thủ tục xác nhận thời gian tham gia BHTN (chốt sổ BHXH) và trả lại sổ cho họ để hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng thời gian luật định.

Đối với các doanh nghiệp, vì lý do khách quan nợ BHXH, BHTN không quá ba tháng mà có cam kết trả nợ sớm, thì cơ quan BHXH vẫn chốt sổ cho người lao động để họ kịp hoàn tất hồ sơ BHTN đúng thời hạn. Những trường hợp doanh nghiệp nợ đọng BHXH , BHTN kéo dài, hoặc đã cam kết nhưng không thực hiện, thì cơ quan BHXH  không thể xác nhận thời gian tham gia BHXH cho người lao động hoặc chỉ xác nhận đến thời điểm người sử dụng lao động đóng đủ BHXH, BHTN cho cơ quan BHXH.

Liên quan đến việc chốt sổ BHXH của người lao động khi nghỉ việc, trong thời gian vừa qua đúng là có tình trạng các doanh nghiệp thực hiện công việc này rất chậm trễ, có trường hợp người lao động nghỉ việc hơn 6 - 7 tháng vẫn chưa nhận được sổ BHXH từ phía doanh nghiệp. Vì vậy người lao động khi tiến hành các thủ tục hưởng BHTN thường lo ngại việc không kịp xuất trình sổ BHXH cho cơ quan đăng ký thất nghiệp trong vòng 15 ngày, kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.

Trong thời gian chờ chốt sổ BHXH, người lao động cần chủ động liên hệ thường xuyên với người sử dụng lao động để biết thêm thông tin, có trở ngại gì phải thông báo ngay đến nơi đã đăng ký hưởng BHTN để được hỗ trợ kịp thời, tránh tình trạng để quá hạn nhiều ngày sẽ không có cơ sở  xử lý, giải quyết chế độ.

Nếu doanh nghiệp thiếu trách nhiệm cố tình chậm trễ việc chốt sổ BHXH thì có bị xử lý?

Về phía các cơ quan chức năng, để tạo thuận lợi hơn cho người lao động, Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã phối hợp với BHXH TPHCM thống nhất thủ tục xác nhận thời gian tham gia BHXH, BHTN của họ trong vòng 10 ngày, kể từ ngày người sử dụng lao động nộp đầy đủ hồ sơ. Vì thế, nếu các doanh nghiệp vẫn chậm trễ trong việc tiến hành chốt sổ BHXH khi người lao động nghỉ việc, làm ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, thì doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm gây thiệt hại đến quyền lợi người lao động.

Qua gần 6 tháng thực hiện, những trường hợp doanh nghiệp lập thủ tục chốt sổ BHXH chậm trễ có phát sinh nhưng không nhiều. Tùy từng trường hợp cụ thể Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm TP giải quyết thỏa đáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sớm thụ hưởng chính sách này.

K.HÀ thực hiện

Tin cùng chuyên mục