Chân Mây - Điểm đến du thuyền quốc tế

Cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), tất cả du khách đi trên tàu quốc tế Celebrity Millennium đã được các hãng lữ hành đưa đi tham quan quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn… Dự kiến trong năm 2017, cảng biển này sẽ đón 49 chuyến tàu du lịch với hơn 113.000 du khách quốc tế đến tham quan các di sản thế giới và danh lam thắng cảnh ở miền Trung.
Chân Mây - Điểm đến du thuyền quốc tế

Cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), tất cả du khách đi trên tàu quốc tế Celebrity Millennium đã được các hãng lữ hành đưa đi tham quan quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn… Dự kiến trong năm 2017, cảng biển này sẽ đón 49 chuyến tàu du lịch với hơn 113.000 du khách quốc tế đến tham quan các di sản thế giới và danh lam thắng cảnh ở miền Trung.

Sẵn sàng đón tàu du lịch lớn nhất thế giới

Cảng Chân Mây đầu xuân Đinh Dậu tấp nập khi đón tàu du lịch quốc tế Celebrity Millennium thuộc hãng Royal Caribbean Cruises Lines (Mỹ) đưa 2.150 du khách quốc tế và hơn 950 thủy thủ đoàn cập cảng. Đây là chuyến tàu du lịch quốc tế đầu tiên cập cảng đầu xuân Đinh Dậu và là tàu khách hạng sang, lớn thứ 3 trên thế giới hiện nay. Tàu dài 311,1m, số lượng hành khách chở tối đa 3.840 người và 1.200 thuyền viên. Sau đó, hành khách đi tham quan các di tích, danh thắng ở Huế, Đà Nẵng, Hội An và thưởng thức các dịch vụ ẩm thực, mua sắm... tại miền Trung.

Celebrity Millennium - du thuyền sang trọng như khách sạn 5 sao và lớn thứ 3 thế giới cập cảng Chân Mây

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cảng Chân Mây cho biết, Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam và là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Cảng nằm ở vị trí thuận lợi giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong (Trung Quốc).

Thêm vào đó, Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế - Đà Nẵng), khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân, Vườn quốc gia Bạch Mã)…

“Sau khi nâng cấp bến số 1, cảng Chân Mây hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng biển đón được các cỡ tàu du lịch mới nhất và lớn nhất thế giới. Nhờ thế mà năm 2016 đã có 36 chuyến tàu du lịch quốc tế đưa gần 87.000 lượt khách quốc tế và thủy thủ đoàn đến Huế qua cảng Chân Mây, tăng 8.500 lượt khách so với cùng kỳ năm 2015. Dự kiến năm 2017, cảng Chân Mây sẽ đón khoảng 49 chuyến tàu du lịch biển các loại với hơn 113.000 du khách quốc tế đến tham quan miền Trung Việt Nam”, ông Chương cho biết.

Hiện ngoài việc tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đơn vị đang phối hợp với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên đường dẫn từ bến cảng vào quốc lộ 1A phục vụ việc đón trả khách vào ban đêm; phối hợp với các lực lượng xử lý nghiêm các trường hợp thả ngư cụ đánh bắt trên khu vực luồng lạch ra vào cảng, tránh ảnh hưởng tới các chuyến tàu du lịch quốc tế.

Liên kết để phát triển

Lần đầu tiên sau khi cập cảng Chân Mây, tàu du lịch biển của Công ty TNHH Destination Asea mang theo 52 khách du lịch, trong đó có 49 người quốc tịch Mỹ cập cảng Cửa Việt (Quảng Trị) để tham quan di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương và địa đạo Vịnh Mốc vào đầu năm 2017.

Đây là tín hiệu đáng mừng về sự hợp tác giữa ngành du lịch Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, mở ra cơ hội cho các hãng lữ hành vận chuyển khách bằng đường biển đến tham quan Quảng Trị - địa phương nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây đi qua 19 tỉnh, thành phố thuộc 4 nước Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ vừa đồng ý chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ với lợi thế có hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú, hứa hẹn là điểm đến thu hút du khách.

Bên cạnh đó, các sở Du lịch Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng cùng Sở VH-TT-DL Quảng Nam vừa ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, việc hợp tác này sẽ tạo liên kết, hợp tác kết nối tour, đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong nước, thủ đô, các quốc gia, vùng lãnh thổ đến Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và ngược lại, với tinh thần “Bốn địa phương - Một điểm đến”. Qua đó, chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia phát triển du lịch; phối hợp kiểm tra, quản lý các hoạt động đầu tư, khai thác phát triển du lịch; hướng dẫn và xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn cho du khách.

Những chuyến tàu du lịch 5 sao quốc tế liên tục cập cảng Chân Mây đã mang đến nhiều cơ hội mới, hứa hẹn một mùa bội thu cho du lịch Thừa Thiên - Huế và các tỉnh, thành còn lại của miền Trung năm 2017. Song việc làm mới các sản phẩm du lịch nhằm khai thác tối đa chi tiêu với loại khách đặc biệt này vẫn còn nhiều hạn chế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho rằng, du lịch tàu biển là loại hình du lịch thời thượng, đang được thế giới ưa chuộng. Địa phương sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên bờ trong thời gian tới, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch và du lịch tàu biển tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến, thu hút, tăng thời gian lưu trú du khách đến Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục