Chặng đường cải cách còn dài

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business) năm 2018. Theo đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện vượt bậc, đứng vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái (vị trí 82). 
Theo đánh giá của WB, Việt Nam và Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách. Hiện nay, doanh nhân tại TPHCM chỉ mất 22 ngày và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, so với 61 ngày và 31,9% năm 2003.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kết quả tích cực của Việt Nam trong bảng xếp hạng lần này có được nhờ 8/10 chỉ số tăng điểm (không có chỉ số nào giảm điểm), 6/10 chỉ số tăng bậc. Trong đó, nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tương ứng tăng 14,78 điểm và 81 bậc), đạt vị trí 86/190 (năm ngoái ở vị trí 167). Chỉ số này được ghi nhận cải thiện trong thủ tục nộp thuế và việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục bảo hiểm xã hội. Chỉ số tiếp theo có sự tăng điểm và tăng hạng là tiếp cận điện năng với thứ hạng 64/190 nền kinh tế (tăng 32 bậc). 
Chỉ số này được ghi nhận cải thiện về mức độ tin cậy cung ứng điện năng thông qua vận hành hệ thống giám sát năng lượng SCADA - hệ thống vận hành tự động hóa với chức năng quản lý, giám sát hệ thống điện qua thiết bị theo dõi các thông số kỹ thuật chính của nguồn điện, giúp tiết kiệm điện năng và bảo vệ môi trường. Chỉ số tiếp cận tín dụng cũng tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 29/190. Chỉ số này được ghi nhận cải cách nhờ mở rộng phạm vi tài sản giao dịch bảo đảm. Chỉ số cấp phép xây dựng xếp hạng thứ 20/190, cải thiện 4 bậc so với năm ngoái (thứ hạng 24). Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư xếp thứ 81/190, được ghi nhận tăng 6 bậc…
Theo xếp hạng của WB vẫn còn 4/10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm bậc, gồm khởi sự kinh doanh (giảm 2 bậc), đăng ký sở hữu tài sản (giảm 4 bậc), giao dịch thương mại qua biên giới (giảm 1 bậc) và giải quyết phá sản doanh nghiệp (giảm 4 bậc). Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, sự giảm bậc không phải do các chỉ số không có sự cải thiện mà do các quốc gia khác có sự cải thiện tốt hơn Việt Nam trên các chỉ số này (vì không có chỉ số nào giảm điểm, 3 trong 4 chỉ số tăng điểm, 1 chỉ số không thay đổi về điểm số). Riêng đối với chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, WB ghi nhận Việt Nam có cải cách tích cực trong thủ tục hải quan điện tử và cơ quan hải quan làm thêm giờ để giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Những cải thiện về môi trường kinh doanh được quốc tế ghi nhận như trên là kết quả của hàng loạt giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điển hình là ban hành và chỉ đạo sát sao việc thực hiện các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng, sửa đổi các bộ luật liên quan tới hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; tập trung cải cách toàn diện quy định về điều kiện kinh doanh và quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu… Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến hoạt động rất quyết liệt của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để đốc thúc các bộ, ngành triển khai tích cực các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần “kiến tạo, liêm chính và hành động”.
Tuy nhiên, như Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận tại phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua của Chính phủ, vấn đề nổi lên sau 3 năm triển khai Nghị quyết 19 là nhìn chung, các nhiệm vụ về cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành của các bộ chưa được quan tâm thực hiện và chưa có sự chuyển biến so với trước. Việc kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết, kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan vẫn đang là gánh nặng và rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Nhiều dự thảo văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 19 (như yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục, áp dụng quản lý rủi ro, quản lý trên cơ sở tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, chuyển sang hậu kiểm, điện tử hóa thủ tục, quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế…). Rõ ràng, tinh thần cải cách dù được Chính phủ đặt ra rất quyết liệt nhưng vẫn chưa thực sự thấm nhuần vào hành động của một số bộ, ngành. 
Như vậy, chặng đường cải cách phía trước để thực hiện mục tiêu Việt Nam đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 (trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh) vẫn còn khá dài. Theo xếp hạng của WB, Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, gồm Singapore (thứ 2 thế giới), Malaysia (thứ 24), Thái Lan (thứ 26) và Brunei (thứ 56), nhưng đứng trên Indonesia (thứ 72) và Philippines (thứ 113). Đáng chú ý là trong năm nay, cùng với Việt Nam, 3 nước gồm Thái Lan, Indonesia và Brunei cũng có sự tăng hạng vượt bậc và thậm chí nhanh hơn Việt Nam (Thái Lan tăng 20 bậc, Indonesia tăng 19 bậc, Brunei tăng 16 bậc). Với mức độ cạnh tranh cải cách như vậy, chúng ta cần phải quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn nữa mới hy vọng vượt qua được chính mình và các nước khác trong khu vực.
BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục