Chào cờ ở Trường Sa

Chào cờ ở Trường Sa

1. Sáng sớm, biển xanh vang tiếng sóng, mặt trời thức dậy sau một đêm mây vần vũ đen kịt cả bầu trời. Ánh nắng ban mai trên đảo Trường Sa thường đến sớm hơn đất liền nên màu nắng lung linh đến lạ. Ở trên đảo đã mấy hôm nên chúng tôi quên mất thứ tự ngày tháng, đến khi nghe tiếng quân nhạc báo thức rộn rã mới choàng tỉnh giấc chạy xuống đường. Thấy bộ đội, sĩ quan ai nấy quân phục chỉnh tề, hỏi ra mới biết hôm nay là sáng đầu tuần, toàn đảo làm lễ chào cờ, chúng tôi mới cuống cuồng chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng.

Từ khi cắp sách đến trường cho đến bây giờ, tôi không biết đã bao nhiêu lần chào cờ Tổ quốc. Mỗi buổi chào cờ đều có cảm xúc riêng. Khi đứng dưới quốc kỳ, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước bỗng trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Màu cờ đỏ đã nhuộm bao nhiêu máu của thế hệ đi trước - những người xả thân vì Tổ quốc - nên giây phút chào cờ lúc nào cũng linh thiêng. Tôi đã từng nghiêng mình trước quốc kỳ ở cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), điểm cực Bắc Tổ quốc, và cũng đã chào cờ ở Xóm Mũi Cà Mau. Nhưng hôm nay, tôi có mặt tại lễ chào cờ ở Trường Sa, quần đảo phía Đông của Tổ quốc, cảm xúc bồi hồi thật khó tả.

Một buổi chào cờ trên đảo Trường Sa.

Một buổi chào cờ trên đảo Trường Sa.

2. Đúng 6 giờ, theo quân lệnh, các hàng quân đứng nghiêm trang dưới cột cờ, ngay trước mốc chủ quyền của đảo Trường Sa. Sau tiếng hô khẩu hiệu của Thượng tá Phạm Văn Trung, Chính trị viên đảo, tất cả cán bộ, chiến sĩ bắt đầu thực hiện nghi thức chào cờ và hát quốc ca.

Thượng tá Phạm Văn Trung đọc lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam: Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, xin thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội… Lời thề danh dự đọc trang nghiêm trong tiếng gió biển và cả trong tiếng nấc nghẹn vì xúc động mãnh liệt.

Tiếp sau đó, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Lữ đoàn phó quân sự Lữ đoàn 146 đọc lời trích dẫn của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa vào ngày 7-5-1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”... Khi Thượng tá Nguyễn Hồng Quân đọc đến đây, chúng tôi không thể nào kìm được nước mắt.

3.
Không xúc động sao được khi vinh dự và may mắn lắm, chúng tôi mới được tham dự buổi chào cờ đầu tuần trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cách đây 37 năm, trong khí thế hào hùng của các quân đoàn đang tiến về giải phóng miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân đã mở các cuộc tấn công, lần lượt giải phóng các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… 9 giờ sáng ngày 28-4-1975, đảo Trường Sa Lớn được giải phóng, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa. 37 năm qua là một chặng đường vẻ vang của Quân chủng Hải quân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Tuy nhiên, gần đây tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực nước ngoài luôn có ý đồ thôn tính quần đảo Trường Sa nhằm độc chiếm biển Đông. Trước tình hình đó, Quân chủng Hải quân tiếp tục có những đối sách kiên quyết linh hoạt mưu trí, cảnh giác bám trụ kiên cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trong sự nghiệp đó, có 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Trường Sa thân yêu. Đồng thời, quần đảo Trường Sa cũng được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Kể từ ngày giải phóng đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, nên đời sống của quân và dân trên quần đảo đã có nhiều khởi sắc. Tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện đảo Trường Sa tiếp tục phát triển. Và hôm nay, đứng trước quốc kỳ trên đảo Trường Sa, trong tâm hồn mỗi người con đất Việt đang có mặt, học tập, sinh sống và làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, chắc hẳn rằng luôn có niềm tự hào trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng hai tiếng Việt Nam. 

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục